An ninh vẫn bất ổn ở Afghanistan khi tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công tự sát ở một thánh đường Hồi giáo ngày 14-10.
Taliban đã nắm quyền kiểm soát Afghanistan kể từ ngày 15-8-2021. Đó là thực tế. Vậy nhưng, một lực lượng nắm quyền kiểm soát một quốc gia lại không có nghĩa là lực lượng đó hay chính thể do lực lượng đó dựng lên sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận. Taliban và chính quyền mà họ dựng lên ở Afghanistan đang ở trong tình thế này và đường “trở lại thế giới” của họ đang gặp đầy rẫy khó khăn khi hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày chiếm được Kabul vẫn chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận chính thể này.
Hai tháng qua cũng là quãng thời gian Taliban vừa phải tập lại việc trị quốc khi ban bố các đạo luật để duy trì một quốc gia tan tành sau chiến tranh, thiếu thốn đủ thứ và phải đối mặt với một thảm hoạ nhân đạo trong khi các nguồn tài chính, ngoại hối gần như bị phong toả hoàn toàn.
Nga, Mỹ và một số quốc gia quan tâm tới tình hình Afghanistan đều đang nỗ lực để “lái” chính thể mới ở Kabul. Dẫu gì, đây cũng là hai nước can dự mạnh nhất vào hai cuộc chiến tranh gần đây nhất ở Afghanistan. Thế nhưng, việc Washington và Moscow có công nhận chính thể do Taliban lập nên hay không không thể sớm có và còn phụ thuộc vào “cách hành xử của chế độ mới”. Ngày 15-10, truyền thông Nga dẫn lời đặc phái viên nước này về Afghanistan,ông Zamir Kabulov, cho biết: Moscow sẽ tổ chức một hội nghị trong tuần tới với sự tham gia của các đại diện từ Mỹ, Trung Quốc và Pakistan để thảo luận về tình hình Afghanistan. Cuộc họp diễn ra vào ngày 19-10 và các bên tham gia sẽ cùng thảo luận để thống nhất quan điểm chung "về những biến động chính trị tại Afghanistan". Sự kiện này diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về Afghanistan ngày 12-10 vừa qua, tại Italy. Hội nghị nhằm tìm cách giúp quốc gia Tây Nam Á này thoát khỏi thảm họa nhân đạo, sau khi lực lượng Taliban tiếp quản quyền kiểm soát đất nước.
Taliban cũng sốt sắng thương thảo với các nước lớn và láng giềng để “trở lại thế giới” càng sớm càng tốt. Ngày10-10, Taliban có cuộc thảo luận trực tiếp với đại diện của Mỹ kể từ khi phong trào Hồi giáo này giành kiểm soát tại Afghanistan. Washington đánh giá cuộc thảo luận này là "thẳng thắn và chuyên nghiệp" nhưng vẫn tái khẳng định quan điểm sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động, không chỉ lời nói.
Song hành với các cuộc thảo luận, đàm phán để được thế giới công nhận và tăng viện trợ nhân đạo, chính quyền do Taliban dựng lên ở Afghanistan cũng một phần tự thay đổi mình và một phần có vẻ nghe theo yêu cầu của các nước dù miễn cưỡng. Kể từ khi giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban cam kết sẽ thực thi các chính sách mới bớt hà khắc hơn so với giai đoạn cầm quyền cách đây 20 năm. Hiện cộng đồng quốc tế vẫn đang theo dõi những động thái mới của lực lượng này trong điều hành đất nước, trong đó vấn đề quyền của phụ nữ và trẻ em gái được đặc biệt quan tâm. Theo một quan chức cấp cao của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), lực lượng Taliban sẽ công bố một cơ chế cho phép trẻ em gái ở Afghanistan sớm trở lại các trường trung học sau khoảng 4 tuần bị gián đoạn học tập vì các quy định mới.
Taliban có thể sẽ thay đổi, khác với Taliban bạo tàn ngày trước. Sự thay đổi, nếu có, cũng không thể diễn ra nhanh chóng và việc các quốc gia công nhận chính thể mới của Kabul chắc chắn sẽ phụ thuộc vào “cách hành xử của chế độ mới”. Trong khi Taliban nhọc nhằn tìm đường “trở lại thế giới” thì dân thường Afghanistan chứ không phải ai khác là đối tượng phải hứng chịu những lệnh trừng phạt và cấm vận với một thảm hoạ nhân đạo trước mắt.
Thanh Huyền