Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông tìm hiểu các văn bản pháp lý.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) nói chung và TGPL cho đối tượng yếu thế là một trong những chính sách mang tính nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Sau khi Luật Trợ giúp Pháp lý ra đời, những người yếu thế (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật…) do khó khăn về tài chính nên không có điều kiện thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình đã được TGPL miễm phí. Tuy nhiên, nhiều người dân trong diện được TGPL vẫn chưa biết đến hoạt động này cũng như quyền được TGPL của mình.

Những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất có xu hướng ít được tiếp cận với các dịch vụ TGPL nhất. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý có thể ảnh hưởng đến sinh kế, gây ra gánh nặng tài chính và cản trở việc thoát nghèo. Việc xóa bỏ các rào cản tiếp cận TGPL sẽ giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Các lĩnh vực được TGPL được quy định trong Luật Trợ giúp Pháp lý năm 2017 bao gồm: Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự; pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em; pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính; pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng; pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm; pháp luật Ưu đãi Người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác; các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Để hoạt động TGPL của các cơ quan hành chính nhà nước đi vào hiệu quả, thực chất, cần huy động sức mạnh của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tham gia. Là một tổ chức chính trị - xã hội với hơn 3 triệu hội viên, Hội CCB Việt Nam luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL cho CCB. 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội tiếp nhận và giải quyết 1.189 lượt đơn thư, khiếu nại và yêu cầu TGPL của CCB và công dân; tổ chức 12.130 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật cho 835.715 lượt hội viên; tham gia hòa giải thành 5.413 vụ việc.

Thời gian qua, chính sách TGPL cho Người có công với cách mạng được quan tâm. Khi các nhóm đối tượng được TGPL có yêu cầu TGPL (bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng) sẽ được miễn phí hoàn toàn, không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2022, các Trung tâm TGPL nhà nước ở các tỉnh, thành phố đã thực hiện TGPL cho 1.250 lượt người là cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính. Về TGPL cho người nhiễm chất độc màu da cam có khó khăn về tài chính, các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố đã thực hiện TGPL cho 1.342 lượt người là người nhiễm chất độc màu da cam có khó khăn về tài chính.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động TGPL, ngoài việc bồi dưỡng năng lực đội ngũ những người thực hiện TGPL, cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông về TGPL nói chung và quyền được TGPL của người dân nói riêng bằng nhiều phương thức truyền thông đa dạng như qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet,… phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các tổ chức TGPL với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội,…) để phát hiện và TGPL kịp thời cho các đối tượng yếu thế; các tổ chức thực hiện TGPL đã chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người được TGPL là người dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Đồng thời, thiết lập mạng lưới tại cơ sở, các thiết chế có thể giúp người dân tiếp cận TGPL: UBND cấp xã; công chức tư pháp, hộ tịch; tổ hòa giải; Hội CCB, già làng, trưởng bản, người có uy tín…

Mai Phương