Bà Ngô Thị Sương thời còn trẻ.

Chiến trường Phú Yên, thời điểm năm 1972, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Mỗi ngày Bệnh xá Đồng Tàu, trực thuộc Tỉnh đội Phú Yên, đóng quân ở xã Hòa Thịnh, Tuy Hòa 2, phải tiếp nhận hàng trăm thương binh, trong đó đa phần là thương binh nặng. Các bác sĩ, y tá vừa phải liên tục tiếp nhận cứu chữa thương binh, vừa phải sẵn sàng chiến đấu, vừa phải tự túc lương thực, thực phẩm.

Các bác sĩ, y tá cố gắng hết sức mình, làm bằng tất cả những gì có thể vì thương, bệnh binh. Những vết thương nhiễm trùng, hoại tử, những ca mổ, cưa chân tay không có thuốc mê, chỉ còn trông đợi ở sức chịu đựng can trường của người lính. Những tiếng kêu đau nhói con tim của đồng đội mà người “thầy thuốc” chỉ biết tiêm huyết thanh để động viên, khích lệ về tinh thần. Y bác sĩ thay phiên nhau, hát, kể chuyện cho thương binh nghe trong tuôn trào nước mắt, dẫu không hay nhưng cũng ấm áp tấm lòng. Chị Ngô Thị Sương, nguyên y tá của Bệnh xá Đồng Tàu kể: “Khổ lắm em ơi! Thương lắm em ơi! Thấy đồng đội, các chú, các anh bị thương đau đớn mà lực bất tòng tâm, không làm gì được, luôn cảm thấy như mình là người có lỗi…”.

Vào đúng thời điểm chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, Bệnh xá Đồng Tàu tiếp nhận rất nhiều thương nặng, trong đó có thương binh Nguyễn Văn Xướng, thuộc Tiểu đoàn 13 (Tỉnh đội) bị thương gãy tay từ Hòa Bình chuyển lên trong trạng thái hôn mê vì bị nhiễm trùng tanot. Bác sĩ Măng Cư - Bệnh xá trưởng, người trực tiếp cắt phần tay hoại tử và điều trị bằng kinh nghiệm dân gian. Không có thuốc, ông đã giao nhiệm vụ cho hai y tá (Ngô Thị Sương và Nguyễn Thị Thương) hằng ngày chăm sóc và tìm giòi ở các gốc cây thối, hố rác… về thả cho bơi trong nước suối; chọn con khỏe vớt lên đặt vào vết thương nhiễm trùng, hoại tử cho giòi hút các tế bào chết, chừng 2 giờ thì gắp giòi ra. Số giòi yếu, chết thì đem rửa sạch bỏ vào ống sữa bò đốt lên thành tro để đắp vào vết thương và hòa nước cho thương binh uống với nước cây chó đẻ (diệp hạ châu) cô đặc. Bằng sự kiên nhẫn của hai y tá (Sương, Thương) ròng rã hơn 6 tháng, trời đã không phụ lòng các nữ y tá, thương binh Nguyễn Văn Xướng dần được phục hồi và được cứu sống. Kinh nghiệm đó được Bác sĩ Măng Cư - Trưởng Bệnh xá Đồng Tàu lúc đó áp dụng cứu chữa được nhiều thương binh nhiềm trùng nặng “thập tử, nhất sinh” trở lại tiếp tục chiến đấu.

Sau giải phóng, nữ y tá Ngô Thị Sương vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Hiện chị là thương binh, sinh sống trong ngôi nhà số 6/38 Trần Nhật Duật, phường 6, T.P Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chị đang chăm lo thờ cúng cho hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 liệt sĩ có trợ cấp hương khói và gần 20 vong linh liệt sĩ nội và ngoại thân của gia đình. Chị là một thành viên tích cực trong nhóm thiện nguyện “Bếp ăn không đồng” ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Nguyễn Bá Thuyết ghi theo lời kể của bà Ngô Thị Sương - nguyên y tá bệnh xá Đồng Tàu, tỉnh Phú Yên (1972-1975)