Khâm phục sự dũng cảm hy sinh của 64 chiến sĩ đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, 7 năm qua anh Phạm Phú Thép đã tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân cho các liệt sĩ vào các ngày 14-3 và 27-7.
Ban đầu, anh và cán bộ Công ty đứng ra làm, sau này, anh mời thêm các cơ quan đoàn thể như Thị đoàn Ba Đồn, Hội CCB và thầy trò Trường THCS xã Quảng Phúc tham gia, quy mô ngày càng lớn hơn.
Kỷ niệm 29 năm sự kiện Gạc Ma năm nay, anh Thép phối hợp với Thị đoàn và Hội CCB xã tổ chức buổi giao lưu, tri ân liệt sĩ. Cả hai chương trình đều công phu và tràn đầy cảm xúc. Trước hết, anh liên lạc kết nối, mời những cựu binh từng ở đảo Gạc Ma trên khu vực từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh, trong đó có cả vợ liệt sĩ của hải quân Gạc Ma về dự lễ.
Đêm 13-3-2017, buổi giao lưu đầy cảm động diễn ra tại Trung tâm văn hoá thị xã Ba Đồn nhân vật chính gồm 20 người là CCB Gạc Ma và các mẹ, vợ liệt sĩ. Chính các CCB, những người có mặt ở Gạc Ma trong ngày hải chiến đẫm máu, trên người hiện vẫn còn những vết thương đã kể lại cho thế hệ trẻ nghe câu chuyện về “Vòng tròn bất tử” trên bãi đá ngầm Gạc Ma.
Đặc biệt, CCB Lê Hữu Thảo kể lại câu chuyện cảm động: Dưới làn đạn của đối phương, các anh vẫn cố gắng bằng mọi cách để tìm kiếm đồng đội mình. Người bị chết, bị thương, các anh dùng thuyền thúng tập kết về một chỗ khô ráo. Trong đó có thân thể của Trần Văn Phương - Đảo phó, không có mái chèo, các anh dùng tay “chèo” thuyền thúng từ đảo Gạc Ma đến Cô Lin, tạm thời an táng để sau đó mang về quê hương. Máu của liệt sĩ Phương hôm ấy đã nhuộm đỏ áo anh Thảo, “chèo” đến kiệt sức, rã rời đôi tay nhưng vẫn cố mang đồng đội về tới nơi. Hết lòng và sâu nặng nghĩa tình với đồng đội, anh Thảo được bầu làm Trưởng BLL “Hải quân Gạc Ma” khu vực từ tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Được dự buổi giao lưu và dâng hương tri ân các liệt sĩ đảo Gạc Ma hôm ấy, trong tôi có nhiều cảm xúc khó tả, khó quên. Đó là hình ảnh của mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương ngồi giữa những đồng đội của con bà, làm tôi nhớ đến câu hát: “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non…”.
Rồi hình ảnh các goá phụ của lính đảo Gạc Ma… đã 29 năm qua, vẫn ở vậy đợi chờ, một ngày nào đó, có một phép màu để chồng các chị trở về, dù lành lặn hay mang đầy thương tích, có chị chỉ mong sao tìm được hài cốt của chồng giữa trùng khơi…
Chị Liễu, vợ của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong - Đảo trưởng. Chị biết thân thể chồng mình đã hoà vào biển cả, nhưng vẫn nén đau thương để động viên con trai lên đường ra Trường Sa tiếp bước cha giữ gìn biển đảo. Trong buổi gặp mặt, chị Liễu như một người chị cả, động viên chị em khác cố kìm nén nỗi đau và sự xúc động để buổi giao lưu thành công. Tuy vậy, khi chị Liễu cầm micro lên hát thật bài “Gần lắm Trường Sa” thì nhiều người dự nước mắt ngấn tròng.
Trong buổi giao lưu và lễ tri ân hôm ấy, chúng tôi may mắn được gặp những nhân chứng, nghe những câu chuyện họ kể thật bi hùng… Có người trở về sau ba năm biệt tin, như Lê Văn Đông quê ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, là lính công binh hải quân. Khi chiến sự xảy ra, anh đang ở trên tàu 604, tham gia chiến đấu bị thương; hơn ba năm biệt tích, ai cũng nghĩ rằng anh đã hy sinh như nhiều người khác. Trong các ngôi mộ gió trong NTLS ở Khánh Hoà, có tên liệt sĩ Lê Văn Đông. Giấy báo tử cũng đã gửi về gia đình, mẹ anh đã khóc hết nước mắt… Chiều 14-3-2017, tôi có dịp đi cùng anh giữa rừng cao su là trang trại của vợ chồng anh đã đổ mồ hôi xây dựng hơn 20 năm nay.
Anh nói rằng, vì cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nên mãi 20 năm sau mới vào Khánh Hoà để xin xoá tên mình trên ngôi mộ gió.
Trong số những người lính may mắn trở về sum họp cùng gia đình, có một số gặp hoàn cảnh rất khó khăn. CCB Lê Văn Dũng quê ở xã Tây Trạch, bố mẹ già yếu, kinh tế khó khăn, nhà cửa tạm bợ, vợ đi lấy chồng khác. Một mình “gà trống nuôi con”, lận đận mãi, mới đây anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng, cùng số tiền tiết kiệm được từ vườn cao su và dưa hấu, xây một ngôi nhà nhỏ. CCB Nguyễn Văn Thống, quê ở xã Nhân Trạch, bị thương khắp người, mắt hỏng, sức khoẻ yếu, UBND xã bố trí làm bảo vệ chợ để tăng thu nhập, tên anh cũng có ở Tượng đài ghi công liệt sĩ của huyện, không rõ vì sao chưa xoá? Vừa rồi, Quân chủng Hải quân ủng hộ một số tiền, vay thêm bà con và đồng đội, anh cũng cất được ngôi nhà khang trang nơi cửa biển, mới khánh thành hôm 13-3-2017. Hai năm trước, CCB Mai Xuân Hải (bị quân Trung Quốc bắt ngày 14-3-1988) được sự hỗ trợ của Báo SGGP và Hội CCB tỉnh Quảng Bình, đã xây được ngôi nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Mỗi ngôi nhà mới, mỗi trường hợp vượt qua hoàn cảnh khó khăn của CCB Gạc Ma đều có sự động viên, chia sẻ của đồng đội và những tấm lòng nhân ái.
Các trường hợp khác của CCB Gạc Ma như anh Đậu Hồng Biên quê ở xã Cao Quảng (Tuyên Hoá), hoàn cảnh khó khăn, con học xong chưa xin được việc làm. Anh Phạm Phú Thép đã liên hệ với cơ quan chức năng tìm việc làm cho cháu. Mới đây, anh báo tin mừng là cháu đã được nhận vào làm hộ lý ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Bằng sự nhiệt tình của mình, anh Phú Thép tiếp tục tìm hiểu về hoàn cảnh của từng CCB trong Ban liên lạc để hỗ trợ, kêu gọi giúp đỡ.
Là một doanh nghiệp trẻ nhưng anh luôn có nhiều suy nghĩ và việc làm mang tính nhân văn, sâu nặng ân tình với thế hệ đi trước.
Bài và ảnh: Xuân Vui