Tại lễ kỷ niệm 60 năm EU, các nhà lãnh đạo EU cam kết thúc đẩy tình đoàn kết trong bối cảnh khủng hoảng khu vực và toàn cầu đang căng thẳng. “Hôm nay chúng tôi tái khẳng định những cam kết của chúng tôi đối với một Liên minh không chia tách và không thể chia rẽ được” - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu. Tuy nhiên, chắc chắn ai cũng biết rằng liên minh này đang phải đối mặt với một thử thách lớn, đến cả từ bên ngoài và trong chính nội bộ EU.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, đà tăng trưởng vẫn chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp ở EU vẫn cao. Cuộc khủng hoảng nợ từng đẩy Hy Lạp tới nguy cơ phải rời khỏi Eurozone, và chính sách thắt lưng buộc bụng mà các nước EU thực thi đã để lại một di sản cay đắng. EU cũng thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột ở Syria, Ukraine, trong khi hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã làm đảo lộn môi trường an ninh khu vực. Chưa hết, làn sóng 1,4 triệu người di cư và tị nạn trong suốt 2 năm qua đã hủy hoại vẻ bề ngoài đoàn kết của EU khi mà các nước thành viên không thống nhất được quan điểm tiếp nhận người tị nạn. Ông Juncker thậm chí phải thốt lên: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến một sự chia rẽ và kém đoàn kết như thế này trong liên minh của chúng ta”.
Những thiếu sót, bất cập của EU khiến “Lục địa già” luôn ở thế bất an và trở thành lí do cho những người theo chủ nghĩa dân tuý liên tục công kích. Tại Hà Lan, Đảng cực hữu Vì tự do (PVV) chủ trương bài ngoại, chống nhập cư đã về nhì trong cuộc Tổng tuyển cử vừa diễn ra. Tại Pháp, Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen cho thấy một sức nặng đáng kể trên chính trường. Trong khi đó, ngày 29-3, nữ Thủ tướng Anh-Theresa May (không tham dự “bữa tiệc sinh nhật” tại Rome) chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động quá trình rời khỏi EU. Những cuộc đàm phán về sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức trong hai năm tới. Không chỉ vậy, mất đi một thành viên quan trọng, tầm ảnh hưởng và uy tín của EU cũng chịu tổn thất không nhỏ.
Bên ngoài, áp lực tới EU cũng khá nghiêm trọng. Đó là: quan hệ không suôn sẻ với một Thổ Nhĩ Kỳ cứng đầu; một nước Nga ngày càng tự tin dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin; một tân Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề hứng thú với cả EU và NATO – khiến châu Âu lâm vào thế yếu, dễ bị chia rẽ.
Một lễ trọng không thực sự vui. EU cần tự điều chỉnh nếu muốn tiếp tục tồn tại. Thông điệp “Chúng ta đoàn kết để phát triển hơn. EU là tương lai chung của chúng ta” vừa được 27 nhà lãnh đạo đưa ra phần nào mang lại sự lạc quan cho những người có cảm tình với Liên minh 60 tuổi này.
Đăng Song