Năm 2007, Hà Tĩnh có 11.122 hộ CCB nằm trong diện nghèo (chiếm 19,62% số hội viên toàn tỉnh), gần 80% số CCB ở nông thôn không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, đã thế lại không có vốn, thiếu vật tư sản xuất, thiếu kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, KHKT…

Những khó khăn đó đã ảnh hưởng lớn đến gia đình CCB, nhiều người thực sự lúng túng trong chọn hướng làm ăn. Không cam chịu đói nghèo, bằng tinh thần trách nhiệm cao cả, Thường trực Tỉnh hội và các huyện, thị, thành hội thấy rõ thực tế và từng bước đề ra nhiều giải pháp phù hợp, động viên CCB đoàn kết, quyết tâm vươn lên trong lao động sản xuất. Bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy trên trận tuyến chống đói nghèo, các cấp Hội có nhiều việc làm sáng tạo, thiết thực như thành lập quỹ vì đồng đội, hội lúa, hội tiền, hội vật liệu xây dựng… Ba mục tiêu chủ yếu của phong trào được xác định đó là: CCB còn khả năng lao động đều có việc làm, phấn đấu đời sống vật chất đạt mức trung bình khá trở lên, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tố chất của hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Thường trực Tỉnh hội tổ chức hội nghị quán triệt chương trình hành động cụ thể cho các cấp huyện, thị, thành cơ sở, đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH, Sở LĐ-TBXH trong vay vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm. Hiện nay, Hội đang quản lý vốn ủy thác 388 tỷ đồng, cùng với 176 dự án, tạo việc làm cho 880 CCB, quỹ nội bộ cho nhau vay không lãi hàng năm từ 8 đến 10 tỷ đồng. Đến giữa năm 2011, toàn tỉnh có 3.147 mô hình kinh tế doanh nghiệp, công ty TNHH, tổ HTX, trang trại, gia trại, trong đó có 2.921 mô hình làm ăn có hiệu quả, thu nhập từ 300 triệu đồng đến 3 – 4 tỷ đồng/năm. Nhiều CCB, con em của hộ hoặc nhân dân địa phương vào lao động tại các cơ sở đó, lương bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/tháng. Địa phương nào cũng có nhiều gương tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, khai thác dịch vụ, điển hình như CCB thương binh Trương Huy Niệm, Tổng giám đốc Công ty xây dựng tổng hợp 296, doanh thu hàng năm gần 100 tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động, mùa vụ trên 1.500 lao động; công ty thành lập chi bộ Đảng, công đoàn, chi đoàn thanh niên, 100% đóng BHXH. Thương binh CCB Lê Viết Hừng, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh từ hộ nghèo vươn lên làm trang trại, tổng hợp thu nhập hằng năm đã trừ chi phí còn 600 đến 700 triệu đồng… Hội CCB xã Nam Hương, Thạch Hà là xã miền núi khó khăn, có trên 30 mô hình kinh tế trang trại, gia trại, dịch vụ có thu nhập khá và hàng ngàn CCB vượt khó vươn lên làm giàu từ ý chí nghị lực của mình.

Thấm nhuần đạo lý “Thương người như thể thương thân”, 5 năm qua đã có 558 ngôi nhà tình nghĩa giúp hội viên ra khỏi cảnh nhà tranh vách đất; tiền của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đều được đến kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ những nỗ lực tổng hợp các giải pháp đồng bộ, nên năm 2011 số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 10,5%. Số hộ CCB khá và giàu 48,9%. Các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh tỷ lệ hộ CCB nghèo chỉ còn 5 đến 2%. Các hoạt động tình nghĩa được mở rộng hơn, tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương đưa lại nhiều tác dụng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Không ỷ lại, không trông chờ, tìm hướng đi đúng, năng động sáng tạo, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp đỡ của địa phương là những bài học bổ ích giúp CCB Hà Tĩnh vươn lên trong cuộc sống.

HOÀNG TRỌNG THÂM