(Thượng úy phi công MiG.17 “hạ” Đại tá không quân Mỹ)

Ngày12-5-1967, nhiều tốp máy bay Mỹ bay từ hướng tây nam vào, thực hiện ý đồ tiến công một số mục tiêu quanh Hà Nội và sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây). Sở Chỉ huy Không quân quyết định sử dụng MiG-17 đánh trước ở vòng trong, chặn đội hình tiến công của không quân địch ở vùng trời khu vực Ba Vì - Hòa Bình. Sau đó sẽ cho MiG-21 đánh vòng ngoài, khi đội hình máy bay địch bay ra.

Tại Sở Chỉ huy Trung đoàn Không quân 923, kíp trực chỉ huy quyết định sử dụng biên đội mạnh gồm các phi công thiện chiến: Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ trực ban chiến đấu.

Lúc 15 giờ 31 phút, Biên đội nhận lệnh cất cánh tại sân bay Gia Lâm, sau đó lấy độ cao và bay về hướng tây, đến khu vực chiến đấu thuộc vùng trời Hòa Lạc. Khi Biên đội bay đến đỉnh sân bay Hòa Lạc thì gặp đội hình máy bay Mỹ. Sau này nghiên cứu trận đánh, qua khai thác tù binh giặc lái Mỹ bị bắt trong trận này và nhiều nguồn tư liệu khác, được biết: Đây là đội hình máy bay F-4 của Không đoàn 366, do Đại tá F.C Blesse dẫn đầu, Đại tá Norman Gaddis bay số 2. Trong trận này, lần đầu tiên các máy bay F-4 của Không đoàn 366 mang theo pháo M-61 20 ly để không chiến với MiG. Lúc này đội hình máy bay địch đang đi vào từ hướng đông sân Hòa Lạc, ven theo dãy núi Viên Nam.

Số 1 Cao Thanh Tịnh nhanh chóng phát hiện cả F-4 và F-105 ở cự ly 6km. Đài chỉ huy bổ trợ dẫn các máy bay MiG bám theo đội hình máy bay địch. Ngay lúc đó, đội hình máy bay Mỹ cũng phát hiện tốp MiG của ta. Lập tức, trận không chiến giữa các tốp máy bay của Trung đoàn 923 và không quân Mỹ diễn ra trên bầu trời Hòa Lạc trong vòng 4 phút.

Các máy bay F-4 và F-105 liên tục phóng tên lửa và nã súng 20 ly vào đội hình MiG của ta. Được sự dẫn dắt của Sở chỉ huy bổ trợ, Biên đội MiG-17 nhanh chóng tách thành hai tốp, quần nhau quyết liệt với máy bay địch trên bầu trời Hòa Lạc. Số 1 Cao Thanh Tịnh và số 2 Lê Hải quần nhau với tốp F-105 ở tầng thấp. Sau khi bám sát đối thủ, Cao Thanh Tịnh nổ súng vào một chiếc F-105, nhưng không trúng; ngay khi thoát ly, Cao Thanh Tịnh phát hiện 2 chiếc F-4 đang bay phía trước, liền bám theo, khi đến cự ly thích hợp, anh lập tức phóng tên lửa, hạ 1 chiếc.

Phi công số 3 Ngô Đức Mai phát hiện một chiếc F-4C bất ngờ chui từ dưới mây lên, lập tức bám theo trên lưng chiếc F-4C này. Đó là chiếc máy bay F-4c của Đại tá Norman Gaddis. Trong trận này, Đại tá Norman Gaddis bay số 2 cho Đội trưởng là Đại tá F.C Blesse với nhiệm vụ chế áp MiG. Đến cự ly 300m, độ cao 1.500m, Ngô Đức Mai nổ hai loạt đạn vào chiếc F-4C của Gaddis. Do các máy bay của hai bên lúc ẩn lúc hiện trong mây, Gaddis chưa kịp xác định chính xác MiG đang ở đâu thì đã bị trúng liên tiếp hai loạt đạn của Ngô Đức Mai; chiếc F-4C bùng cháy, rơi cách sân bay Hòa Lạc chừng 20km. Gaddis nhảy dù và bị bắt.

Phi công MiG số 4 Hoàng Văn Kỷ trong khi yểm hộ cho số 3, đã phát hiện một tốp F-105 có F-4 yểm hộ bay phía trên, Hoàng Văn Kỷ nhanh chóng bám theo. Sau khi luồn lách tránh được nhiều loạt tên lửa từ đối thủ, Hoàng Văn Kỷ cũng kịp thời thao tác chính xác, bắn rơi 1 chiếc F-4C.

Như vậy, trong trận đánh ngày 12-5-1967, Biên đội MiG-17 của Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ đều nổ súng, bắn hạ 3 F-4.

Khi bị Thượng úy Ngô Đức Mai bắn hạ, Đại tá Norman Gaddis đã từng là Phó ban Tác chiến thuộc Bộ Tham mưu Không quân Mỹ, người được cử sang Việt Nam với chức danh Phó tư lệnh không đoàn tiêm kích chiến thuật số 12, để nghiên cứu chiến thuật không chiến và tìm diệt MiG. Tại thời điểm bị Thượng úy Ngô Đức Mai bắn hạ, Đại tá Norman Gaddis đã có 4.300 giờ bay; trong khi cũng thời điểm đó, phi công Ngô Đức Mai chỉ có hơn 300 giờ bay.

Chiếc máy bay MiG.17 số hiệu 2011 do Ngô Đức Mai điều khiển bắn hạ F-4C của Đại tá Norman Gaddis, đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, đường Trường Chinh, Hà Nội.

Với Thượng úy phi công Ngô Đức Mai, chưa đầy 1 tháng sau khi bắn hạ máy bay của Đại tá Norman Gaddis, ngày 3-6-1967, trong một trận không chiến không cân sức giữa đơn vị của anh với không quân Mỹ, Ngô Đức Mai đã hy sinh anh dũng. Thượng úy Ngô Đức Mai được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 30-8-1995.

Hưng Nguyễn