Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm bộ đội Trường Sơn

Tin Hiệp định Pari được ký kết lan truyền như ánh chớp. Khắp mọi thôn xóm, bản làng, dòng sông, cánh rừng… tràn ngập tiếng reo hò. Trào dâng niềm vui bất tận; cán bộ, chiến sĩ chúng tôi và dân quân tự vệ trên địa bàn hầu như quên mất trong chốc lát kỷ luật nhà binh; ai có súng cũng đều mang ra bắn mấy loạt lên trời! Từ sau ngày 27 -1-1973, dọc hai bờ sông Kiến Giang, Long Đại, Nhật Lệ…, khắp các xóm, thôn, xã ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Đồng Hới… (Quảng Bình) tràn ngập cờ, hoa.

Hòa cùng niềm vui chiến thắng, hàng hóa từ hậu phương miền Bắc tiếp tục được đưa vào chiến trường miền Nam. Lúc này, tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) chuyển hàng chi viện cho ta, lẽ ra không phải dừng ở phao số 0 như trước đây, mà có thể vào tận Đồng Hới giao hàng; nhưng vì trước đó, một tàu của ta vào cửa biển Nhật Lệ bị dính bom từ trường đã bị hỏng, nên tàu Hồng Kỳ được lệnh dừng cách bờ chừng một hải lý. Binh trạm 19 của chúng tôi có nhiệm vụ ra nhận hàng từ tàu của bạn. Tôi lúc này là Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19, vinh dự được chỉ huy một số cán bộ, chiến sĩ với danh nghĩa thay mặt Bộ đội Trường Sơn - Quân Giải phóng miền Nam ra nhận hàng. Binh trạm 19 không có thuyền lớn, nên chúng tôi phải dùng xuồng để tiếp cận tàu Hồng Kỳ. Đang kỳ biển động, xuồng bé lách được sóng ven bờ để ra tới tàu của bạn đòi hỏi người chèo xuồng phải có nghề. Có lúc tôi nghĩ trăm phần trăm xuồng bị sóng nhấn chìm. Nhưng rất may mọi chuyện đều ổn cả.

Khi chúng tôi lên tàu, gần hai chục sĩ quan, quân nhân của bạn đứng thành hàng chào, rồi bắt tay từng người chúng tôi, trông rất đẹp, rất bài bản. Tiếp đó, Thuyền trưởng và Chính ủy tàu tiếp chúng tôi. Đồng chí Chính ủy tàu Hồng Kỳ giới thiệu: Con tàu này được Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc giao nhiệm vụ chở hàng chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tôi đáp từ: Thay mặt Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, cảm ơn Liên Xô, Trung Quốc, nhân dân và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam, Quân Giải phóng miền Nam sự giúp đỡ vô cùng quý giá…

Sau thủ tục bàn giao hàng, tàu, thuyền của Binh trạm 19 cặp tàu Hồng Kỳ nhận 500 tấn gạo. Tiếp đó, đoàn đại biểu Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình ra thăm và tặng bạn một ít rau, quả.

Ngay sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thăm Quảng Bình và các đơn vị Quân đội đứng chân làm nhiệm vụ ở đây. Sau khi làm việc với lãnh đạo của tỉnh, Đại tướng ra thăm khu vực tập kết chân hàng tại Tam Tòa - cửa biển Nhật Lệ.

Lúc này do yêu cầu cần lực lượng bốc xếp hàng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn vừa tuyển nhận một số tân binh nữ quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Mới nhập ngũ, biên chế về đơn vị, chị em tham gia bốc xếp hàng hóa ngay. Cô nào cũng trẻ trung, xúng xính trong bộ quân phục mới, trông rất vui mắt.

Tôi tập trung đơn vị trên một triền cát để đón Đại tướng. Triền cát mấp mô, chỉ mới hơn mười ngày vắng tiếng bom đạn mà cỏ đã mọc lún phún. Sức sống của con người và cỏ cây thật kỳ diệu!

Đứng trước hàng quân chưa thật chính quy, Đại tướng vui vẻ hỏi:

- Đây là dân quân hay bộ đội?

- Thưa Đại tướng, bộ đội nhưng là tân binh nên còn lỗ đỗ - Tôi báo cáo.

Với cử chỉ thân tình, chất giọng nguyên gốc Lệ Thủy, Đại tướng tâm sự, hỏi chuyện các cháu. Khi được hỏi: Sao con gái lại đi bộ đội?, các cô đồng thanh trả lời: Chúng cháu thích đi chiến đấu, đánh Mỹ.

Chuyện trò với các nữ tân binh một lúc, Đại tướng bất ngờ hỏi:

- Nghe nói trong lực lượng vận tải của các đồng chí có Anh hùng Đỗ Trực, vậy Đỗ Trực có đây không?

Rất may là anh Đỗ Trực có mặt, đứng ngay sau Đại tướng; anh ngượng ngùng bước lên chào. Đại tướng nắm chặt tay Đỗ Trực, động viên anh tiếp tục lập nhiều chiến công hơn nữa. Sau đó, Đại tướng lên thăm cán bộ, thủy thủ trên tàu Hồng Hà của Tổng cục Hậu cần vừa tăng cường cho Bộ Tư lệnh 559. Tàu đỗ ở cửa sông, sóng dập dềnh; tàu này nối sang tàu kia bằng một tấm ván hẹp. Tôi cùng anh Đỗ Trực dẫn Đại tướng đi trên tấm ván hẹp ấy để lên tàu, chỉ sợ Đại tướng ngã. Nhưng thật mừng là không có bất cứ sự cố nào.

Tết Quý Sửu - 1973, vừa cháo đón năm mới, vừa mừng Hiệp định Pari được ký kết, nửa nước im tiếng đạn bom và cũng là dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ mít tinh tại khu vực bến đò Trùng Quán. Hôm đó, bộ đội tập hợp theo đội hình từng khối. Anh em nào còn bộ quân phục nào mới đều đem ra mặc, nên trông đội hình rất đẹp, chính quy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đồng Sĩ Nguyên - cùng là những người con ưu tú của Quảng Bình đi thuyền diễu qua trước hàng quân, giống như nghi thức duyệt binh. Khi Đại tướng và Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên bước lên thuyền, quân nhạc nổi lên trầm hùng. Thuyền đưa hai vị lần lượt chào bộ đội và nhân dân đứng chật trên bờ vỗ tay nồng nhiệt. Đêm đó, tỉnh Quảng Bình tổ chức bắn pháo hoa tại vị trí ban ngày tổ chức mít tinh. Pháo hoa của Trung Quốc sản xuất, bắn rực sáng một góc trời. Tôi còn nhớ pháo hoa nhập về cất trong một chiếc lô cốt xây từ thời Pháp, gần bến đò Trùng Quán. Sau này, qua lại nơi đây nhiều lần, tôi vẫn thấy chiếc lô cốt đó…

                Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể Duy Tường ghi