Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám thời trẻ (ảnh do nhân vật cung cấp)(Tiếp theo kỳ trước)

Tổ chúng tôi di chuyển sang nhà bà Sim, vừa cơ động, vừa bắn. Địch dù đông nhưng cũng không dám vào sâu... Địa hình khu vực nhà mẹ Nhu thấp. Chúng từ trên cao chĩa súng bắn xuống. Lâu lâu lại cử một tốp xông vào, đều bị ta đánh bật. Tôi nhặt lấy khẩu súng cạc-bin của một tên vừa bị ta bắn hạ, rồi tiếp tục cơ động theo các anh đến nhà bà Khánh Điếc, nơi chôn giấu vũ khí của ta. Nhưng lúc chúng tôi đến nơi, địch đã khui hầm mang đi tất cả. Không lấy được vũ khí, chúng tôi tiếp tục di chuyển sang nhà bên cạnh thì gặp lính Mỹ. Đến lúc này, chúng tôi xác định mình cũng hy sinh thôi, vì địch vây đông quá. Lính Mỹ từ bên trong các căn nhà, nhìn thấy là nổ súng chứ không phải dàn trận chiến đấu. Quần nhau với ta được vài ba trận, chúng lên tàu rút ra biển.

Nghe tiếng súng nổ, tổ bên nhà mẹ Hiền biết đã bị lộ, liền thúc giục gia đình di tản nhanh, để ra “chia lửa” với chúng tôi. Khoảng hơn 10 giờ sáng, tổ tôi di chuyển gần đến bờ biển thì anh Nguyễn Văn Huề bị thương ở bụng, ruột xổ ra ngoài. Vai mang túi đạn, tay cầm súng, tôi dìu anh Huề để anh Trung chiến đấu. Biết mình khó qua khỏi, anh Huề trao khẩu AK cho tôi và bảo: “Thôi đập cây cạc- bin đi, dùng AK bắn cho nó uy hiếp hơn. Đưa lại cho tôi hai quả lựu đạn nữa”. Nghe lời anh, tôi đập vỡ báng khẩu cạc-bin. Tôi thương anh Huề khôn xiết. Trong lúc chiến đấu, chúng tôi không có bông băng, thuốc men cầm máu, nên anh ấy mất máu nhiều. Đi thêm một quãng, anh Huề nói đứt đoạn: “Anh mệt quá rồi không đi được nữa, để anh nằm lại đây chiến đấu đến phút cuối cùng. Còn các đồng chí di chuyển và chiến đấu tiếp”. Chúng tôi đành để người anh, người đồng chí thân thiết nằm trên con hẻm cạnh nhà bà Sát Thường.

Địch căn dấu máu lần theo. Tôi và anh Trung di chuyển sang nhà bên, bí mật theo dõi. Thấy một cụ già đi đến, anh Huề vẫy tay, bảo: “Ra nói với bọn địch là tui đã chết rồi”. Ông cụ đi một lúc thì bọn lính ập vào. Không để chúng kịp phản ứng, anh rướn người tung hai quả lựu đạn lên. Biết anh Huề đã hy sinh, lợi dụng tình thế địch đang nhốn nháo, chúng tôi nổ súng vào mấy tên sống sót và di chuyển đến một căn nhà bỏ trống. Tôi leo lên gác nhìn ra thấy địch vây đen đặc, lính ngụy đi như mắc cửi. Tôi bàn với anh Trung di chuyển xuống Xuân Hà, vì tôi biết ở đây có hầm bí mật nhà mẹ Nhất và nhà bà Xã Xoài (tên thật là Hai Hạt). Nhân lúc địch chưa vào, tôi nhờ anh Trung cắt đứt mái tóc dài để khi nhảy tường rào khỏi vướng. Đến nhà bà Xã Xoài, nhìn ra đường Trần Cao Vân thấy lính đi đầy đường, tôi bảo anh Trung: “Thôi cứ ở đây mà đánh nhau đến hơi thở cuối cùng”. Bụng đói, tìm trong nhà còn sót một củ sắn dây, hai anh em bẻ đôi, ăn cầm hơi.

Khoảng 4 giờ chiều, lính đi lại có vẻ bớt hung hăng. Tôi nghĩ mình phải vượt qua đường Trần Cao Vân, lên phía Hòa Minh (Hòa Vang, hiện nay thuộc quận Liên Chiểu). Trên đó, tôi biết có cơ sở của mình. Do ở hầm nhiều nên da anh Trung rất trắng, phải lấy đất xoa lên. Nhìn bọn lính đi lại, tôi bẻ cây que nhỏ thành khúc để tính thời gian. Tôi nhẩm đếm mấy khúc thì chúng gặp nhau, từ đó tính kẻ hở, khi chúng quay lưng là thời điểm để băng qua đường Trần Cao Vân. Tôi dắt anh Trung đến bàu (hồ nước) Xuân Hà, ngâm mình dưới nước, đội bèo lên đầu. Chúng tôi đi dưới bàu, bám sát đường ray xe lửa mà đi, chỗ nào gặp địch tuần tra thì tụt xuống. Tôi xác định qua ngã ba Huế, đến nhà cơ sở là sống.

Gia đình cơ sở đầu tiên chúng tôi đến là nhà chị Hồng, sau đó dẫn đến nhà anh Quế. Tại đây, chúng tôi được gặp anh Năm Dừa (Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Năm), người Bí thư quận ủy đã xây dựng, dìu dắt lực lượng biệt động quận Nhì. Tôi ôm anh Năm nghẹn ngào, không nuốt nổi miếng bánh mì. Mấy anh trên căn cứ xuống giải vây cũng mừng mừng, tủi tủi. Sáng hôm sau, thay đổi quần áo, chúng tôi đi hợp pháp xuống Xuân Thiều (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).

Còn tổ bên nhà mẹ Hiền, sau khi thoát ra ngoài, rút lên Hòa Minh. Đến gần bàu Phú Lộc, anh Phương và anh Mười là người địa phương nên bảo hai anh Chi và Năm đứng chờ để vô nhà anh rể lấy quần áo lính ra mặc. Nhưng không ngờ gặp lính đi tuần, nên anh Chi và anh Năm bị lạc. Không tìm được đồng đội, anh Phương và anh Mười đành mặc đồ lính, đi hợp pháp về căn cứ. Hai anh Chi và Năm núp dưới bàu gần một tuần lễ, khi đói phải móc khoai ăn, nhưng mỗi ngày các anh chỉ dám lấy một củ nhỏ vì sợ khoai chết, dân phát hiện sẽ bị lộ Đến ngày thứ 7 thì họ rơi vào trạng thái lúc tỉnh, lúc mê, nghĩ mình chết rồi nên không biết đã bò lên bờ. Trẻ chăn trâu phát hiện, báo cho lính ngụy đem về Non Nước cứu chữa. Khi đã bình phục, địch hỏi có phải cộng sản không, các anh trả lời: “Tui không biết. Chúng nó bắt tui bỏ xuống đây”. Sau đó, anh Trần Văn Chi ở tù một thời gian rồi nhận lời đi lính cho chúng. Mấy tháng sau, anh trốn lên căn cứ, còn anh Nguyễn Đình Năm tiếp tục ở tù đến khi trao trả.

N.T.T

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám kể - Hoàng An Khánh ghi