(Báo tháng 8) -“Cứ điểm nhỏ, bóp nát lúc nào cũng được”. Đó là suy nghĩ của phần lớn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 khi nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm Chùa Cao trong đợt 2 của chiến dịch Quang Trung (tháng 6-1951).

Hơn 68 năm đã trôi qua nhưng dư âm của trận đánh vẫn còn đó, nhất là những bài học được rút ra từ trận đánh này thì vẫn còn nguyên giá trị - đó là bài học về xây dựng quyết tâm, bài học về đánh giá địch-ta, “biết địch, biết ta trăm trận không bại”, bài học về công tác chỉ huy chiến đấu và vận dụng chiến thuật đánh công kiên ở địa hình đồng bằng...

Chùa Cao là một cứ điểm không lớn vì diện tích chỉ khoảng gần 600m2. Đây vốn là một ngôi chùa nằm ở phía đông nam thị xã Ninh Bình, bị quân địch chiếm đóng rồi xây dựng biến thành một pháo đài, nhưng là một cứ điểm có cấu trúc khá kiên cố với hỏa lực mạnh, không đúng như dự đoán của ta.

Cứ điểm Chùa Cao có 5 lô cốt được xây bằng gạch, đá, xi măng, chiều cao 5-7m, tường dày 0,6-0,8m. Giữa các lô cốt được nối thông với nhau bởi hệ thống giao thông hào có nắp đậy bằng gỗ lấp đất. Xung quanh các lô cốt đều có nhiều lớp dây kẽm gai bao bọc để phòng đối phương tiếp cận. Trong cứ điểm có 8 ngôi nhà ở, cho binh lính và kho tàng. Hỏa lực trong cứ điểm có 1 khẩu pháo 75 ly, 1 cối 81 ly, 6 khẩu đại liên, 11 khẩu trung liên và nhiều vũ khí khác.

Sau những thắng lợi liên tiếp trong đợt đầu của chiến dịch Quang Trung, Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Chùa Cao, tổ chức đánh viện và chuẩn bị tiến công thị xã Ninh Bình lần thú 2. Trung đoàn 88 vinh dự được nhận nhiệm vụ quan trọng này của Đại đoàn, mặc dù Trung đoàn chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ở địa hình đồng bằng.

Lực lượng trực tiếp tham gia trận đánh có 5 đại đội BB, 1 đại đội cối 823, đại đội trợ chiến và một số đơn vị phối thuộc của Đại đoàn.

0 giờ 20 phút ngày 5-6-1951, trận đánh bắt đầu khai hỏa. Ngay từ đợt tiến công đầu tiên, ta đã bộc lộ những trục trặc: nhiều quả bộc phá không nổ; thang, ván chuẩn bị vượt hào ngắn so với chiều rộng của hào, hiệp đồng giữa các bộ phận lủng củng. Sau gần 4 giờ quần nhau với địch, một số mũi tuy đã đánh chiếm được mục tiêu nhưng bị thương vong lớn. Bên trong căn cứ, thế trận vẫn diễn ra giằng co và càng lúc, càng quyết liệt. Trong tình thế đó, Ban Chỉ huy Trung đoàn do ngại đánh ban ngày nên đã quyết định cho các mũi lui quân, chỉ để lại 1 đại đội rút sau để yểm trợ cho đội hình rút lui. Tuy nhiên, cuộc rút lui đã diễn ra trong cảnh lộn xộn “mạnh ai, nấy chạy” nên vô hình chung trở thành bia hứng các loại hỏa lực của địch. Đau lòng hơn, Đại đội 213 ở lại đã bị kẹt trong căn cứ và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi hầu hết hy sinh, chỉ có 7 anh em sống sót thoát được ra ngoài. Đợt tiến công thứ nhất không thành công, cứ điểm chưa chiếm được, trong khi Trung đoàn 88 bị thương vong lớn: 159 đồng chí hy sinh và 145 đồng chí bị thương.

Sau khi giành lại quyền kiểm soát toàn bộ cứ điểm Chùa Cao, địch tổ chức thay quân, củng cố lại cộng sự vả tằng cường hỏa lực. Về phía Đại đoàn 308, sau đợt 1 không thành công đã lại giao cho Trung đoàn 88 tiếp tục tiến công cứ điểm Chùa Cao lần thứ hai với lý do “quân địch mới đến chưa quen địa hình” và để khích lệ tinh thần, ổn định tư tưởng cho bộ đội sau trận tiến công không thành công.

Rút kinh nghiệm của lần trước, lần này công tác điều nghiên, chuẩn bị cho trận đánh được tiến hành kỹ lưỡng hơn; công tác hiệp đồng cũng chặt chẽ hơn. Nhưng có một công việc quan trọng cần chuẩn bị thì Ban Chỉ huy Trung đoàn đã không quan tâm tới - đó là chuẩn bị về mặt tư tưởng và tinh thần cho bộ đội, nhất sau những mất mát lớn của đồng chí, đồng đội. Người ta thường nói “tư tưởng không thông, vác bình tông không nổi”. Hệ quả là lần tiến công thứ hai cũng không thành công.

Sau hơn 3 giờ chiến đấu (từ 2 giờ 10 phút đến gần 5 giờ ngày 6-6-1951), các mũi tiến công không thể nào chọc thủng được cứ điểm Chùa Cao, đành phải lui quân trước khi trời sáng. Và cũng như lần trước, quá trình rút lui diễn ra lộn xộn đã gây ra thương vong lớn cho bộ đội. Tính toàn bộ cả hai đợt, 189 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 88 hy sinh, 415 trường hợp bị thương - cái giá quá đắt cho một trận đánh. Trong trận đánh này, mặc dù bộ đội chiến đấu rất dũng cảm, đặc biệt là 2 đại đội 225 và 213 - những đơn vị đã kiên cường bám trụ và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, song trận đánh vẫn không thành công và gánh chịu thương vong lớn.

Lịch sử không thể có “nếu như”, nhưng giả sử từ cán bộ cho đến chiến sĩ không có tư tưởng chủ quan, coi thường địch khi cho rằng “cứ điểm nhỏ, bóp nát lúc nào cũng được” thì có lẽ kết quả trận đánh đã khác và hạn chế được quân số thương vong. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến trận tiến công cứ điểm Chùa Cao không thành công.

Việt Anh