Từ Cục Chính trị Quân giải phóng B2, tôi được biệt phái về Sư đoàn 5 tham gia [Chiến](javascript:void(0)) dịch Nguyễn Huệ. Cuối năm 1972, được giao nhiệm vụ tham gia vào Ban Liên hiệp Quân sự trong Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam [Việt](javascript:void(0)) Nam, ở trại Đa-vít trong sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.
Tháng 3-1975, khi chiến thắng chiến dịch Tây Nguyên của ta đại thắng, địch tăng cường uy hiếp trại Đa-vít. Chúng cắt nước, cắt điện, đưa hàng lương thực, thực phẩm tiếp tế, bán cho ta thất thường.
Ban lãnh đạo Đoàn đã dự kiến và có kế hoạch đối phó với các tình huống xấu, đồng thời phải tổ chức chiến đấu giữ được từ 3-5 ngày chờ đại quân vào giải phóng. Cán bộ, chiến sĩ trong trại đã bí mật đào hầm và giao thông hào nối liền 7 khu vực để sẵn sàng chiến đấu. Với quyết tâm cao, chỉ trong 10 ngày sử dụng cuốc xẻng, cọc màn, dao găm, để đào hầm hố, có hầm chỉ huy, hầm quân y, hầm dự trữ lương thực.
Ngày 25-4-1975, theo yêu cầu của ta, Mỹ tổ chức chuyến bay (máy bay C130) liên lạc ra Hà Nội, viên trung tá Mỹ nói với cán bộ ta:

  • Các ông báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mỹ chịu thua [Việt](javascript:void(0)) Nam rồi, Việt Nam nêu ra các điều kiện gì, Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ.
    Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù bị tiêu diệt, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá bị bắt. Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 bỏ “phòng tuyến thép” ở Xuân Lộc rút chạy về sông Đồng Nai. Tổng thống Dương Văn Minh lên cầm quyền, tình hình quân sự như ngàn cân treo sợt tóc. Chúng tôi nghĩ có tài thánh Mỹ-ngụy cũng không lật được thế cờ.
    Địch liên tục cho các đoàn khách vào trại Đa-vít xin thương thuyết ngừng bắn. Trưa ngày 29-4-1975, một đoàn khách đặc biệt đến trại Đa-vít tự giới thiệu là phái viên của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đến xin gặp đoàn ta để làm việc “bàn giao chính quyền”. Đến 14 giờ 30 cùng ngày, một đoàn thứ hai, rồi đến 17 giờ 30, lại chính đoàn thứ hai có thêm một luật sư tới thiết tha xin gặp để bàn việc cách mạng tiến đánh Sài Gòn đỡ tổn hại.
    Từ 3 giờ đêm 29-4, đạn pháo 130 ly và hỏa tiễn của ta tiếp tục nã vào Tân Sơn Nhất và Trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy, lại có những đoàn đến trại Đa-vít xin gặp. Trưởng đoàn ta Hoàng Anh Tuấn xét thấy những vị trong đoàn là người thuộc lực lượng thứ ba, lâu nay đã đối lập với chế độ Thiệu mà giữa đạn bom nguy hiểm lại tìm đến với cách mạng. Ta nể tình, thông báo cho ba vị là đoàn có thể tiếp họ, nhưng với tư cách cá nhân, chứ không phải tư cách đại diện cho bất cứ tổ chức nào. Đồng chí Võ Đông Giang, Phó đoàn được phân công tiếp họ tại hầm chỉ huy dự bị.
    Suốt đêm đó, ba vị là giáo sư Châu Tam Luân, luật sư Trần Ngọc Liễng, linh mục Trần Tín ở lại trong đêm đâu có biết những tình tiết diễn ra! Theo kế hoạch một cánh đặc công và một cánh xe tăng của ta sẽ tìm cách đến trại Đa-vít sớm nhất để tăng cường bảo vệ cho 2 đoàn quân sự, hoặc tuỳ tình hình có thể đưa ra khu an toàn.
    Sáng ngày 30-4-1975, quân giải phóng bắt đầu tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc 9 giờ 30 phút, đồng chí Phạm Văn Lãi kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng to đến 6m2 trên đỉnh tháp nước cao. 10 giờ ngày 30-4-1975, Sư đoàn 10, thuộc Quân đoàn 3 tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất cùng Ban Liên hợp quân sự gặp nhau vui mừng khôn tả, 3 “vị khách” cũng hòa vào niềm vui chung đại thắng đến ngỡ ngàng.
    Sáng ngày 1-5-1975, cán bộ ta thu thập tài liệu ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tìm thấy cuốn sổ công tác để trên bàn làm việc của Cao Văn Viên-Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, có ghi: “Chỉ thị cho cấp dưới được quyền sử dụng các biện pháp sau đây đối với trại Đa-vít, không cần phải xin chỉ thị của bộ, chỉ cần khi thấy có tiếng súng từ trại Đa-vít bắn ra sân bay: Bắn pháo và cối vào trại Đa-vít, cho xe tăng và bộ [binh](javascript:void(0)) tràn vào bắt hết người trong trại, ném bom, rải chất độc hóa học khi gió không thổi về thành phố”.
    Vậy mà 9 giờ 30 phút, cờ cách mạng ở trại Đa-vít kéo lên sớm nhất Sài Gòn, đơn vị ngụy quân bảo vệ sân bay và 12 bốt gác xung quanh trại Đa-vít cùng đơn vị dù cạnh trại đã bỏ chạy hết.
    Trưa ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn xin đầu hàng. Đoàn chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên hiệp quân sự. Những ngày sau đó, tôi chuyển sang công tác tại Ban Quân quản TP. Sài Gòn.
    Hoàng Duy Hòa