Hơn 260 gia đình Người có công tại Hà Nội được sửa chữa nhà trong năm 2019.

Ảnh: Lễ trao nhà tình nghĩa cho bệnh binh Hoàng Tuấn Vuông, ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, T.P Hà Nội.

Những năm qua, T.P Hà Nội luôn được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác xóa nghèo, bằng nhiều chương trình, chính sách thiết thực, hiệu quả. Trong đó, 2 nhóm giải pháp trọng tâm là: Hỗ trợ để những hộ nghèo có khả năng vươn lên thoát nghèo và thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội đối với nhóm người không có khả năng tự thoát nghèo.

Trong 3 năm qua, ngân sách thành phố đã bố trí 6.380 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung vào các nội dung: Ủy thác cho Ngân hàng CSXH Hà Nội cho hộ nghèo vay vốn (2.015 tỷ đồng); hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo về bảo hiểm y tế, tiền điện, học phí, trợ cấp cho người già yếu, ốm đau không có khả năng lao động... (hơn 3.515 tỷ đồng); đầu tư xây dựng hạ tầng cho các xã vùng dân tộc, miền núi (850 tỷ đồng)... Ngoài ra, thành phố còn phát động phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, lồng ghép với các nội dung thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tạo khí thế sôi nổi thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Theo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, tính đến đầu năm 2019, toàn thành phố còn 23.289 hộ nghèo, chiếm 1,16% tổng số hộ dân toàn thành phố. Trong đó, có 9.777 hộ có khả năng thoát nghèo (chiếm 42% tổng số hộ nghèo) và 13.512 hộ không có khả năng thoát nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn do không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động.

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND T.P Hà Nội Khóa XV vừa qua, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Nghị quyết về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của T.P Hà Nội đã được thông qua. Đối tượng áp dụng bao gồm: Thành viên thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo, cận nghèo mà trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có người còn khả năng lao động thuộc diện: Người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo. Thành viên hộ gia đình nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo. Người khuyết tật nặng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ. Các đối tượng này là thành viên thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.

Cụ thể một số chính sách đặc thù như sau: Hỗ trợ hằng tháng đối với thành viên thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo, cận nghèo mà trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có người còn khả năng lao động thuộc diện người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo (HIV, ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 và các bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của cơ quan y tế). Mức hỗ trợ hằng tháng áp dụng bằng mức chuẩn nghèo của T.P Hà Nội (khu vực thành thị: 1,4 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn: 1,1 triệu đồng/người/tháng). Mức trợ cấp hằng tháng sẽ được điều chỉnh tương ứng khi chuẩn nghèo của thành phố thay đổi. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ gia đình nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng sau khi hộ gia đình thoát cận nghèo. Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kể cả học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế không quá 9 tháng/năm học, tối đa không quá 3 năm học sau khi hộ gia đình thoát nghèo.

T.P Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1% (nếu trừ hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội thì còn dưới 0,3%); phấn đấu đến cuối năm 2020 (nếu trừ hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội), thành phố không còn hộ nghèo. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo của thành phố nhằm giúp những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tránh tái nghèo sau khi đã được công nhận thoát nghèo; phù hợp với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mai Anh