Khi nợ nần của doanh nghiệp đã lên đến mức báo động (trên 400 tỷ đồng), để có tiền trả nợ ngân hàng, ban lãnh đạo mới của Tổng công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu (Foodinco) xoay sang “bán chui, bán đổ” tài sản một cách thiếu minh bạch. Đây có thể xem là bức tranh “cận cảnh” của Foodinco, trụ sở tại 58 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng…

Lỗ khủng…

Thực ra sai phạm xảy ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Foodinco kéo dài đã từ nhiều năm nay. Báo cáo của Ban kiểm soát Foodinco năm 2010 về kết quả kinh doanh và quản lý điều hành cho thấy: Riêng năm 2009, con số kinh doanh thua lỗ là 24,910 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế của Foodinco trong 2 năm liền lên 94,038 tỷ đồng; gây thất thoát trên 200 tỷ đồng; nợ xấu các ngân hàng trên 412 tỷ đồng (mất khả năng thanh toán). Có 8/13 đơn vị, công ty trực thuộc kinh doanh lỗ. Điển hình như các chi nhánh Quy Nhơn lỗ trên 47 tỷ đồng, Đồng Nai lỗ 5,79 tỷ đồng, Hà Nội lỗ 3,843 tỷ đồng, Biên Hòa lỗ 2,329 tỷ đồng, Xí nghiệp thương mại lỗ trên 6,6 tỷ đồng…

Không chỉ có những đơn vị thua lỗ điển hình như trên, mà gần như tất cả các đơn vị, công ty trực thuộc của Foodinco làm đâu lỗ đấy, như liên doanh nhà máy gạch tuy-nen tại Công ty TNHH Foodinco Bolikhamxay (CHDCND Lào) với số vốn đầu tư ban đầu là 1,7 triệu USD, phía Foodinco góp 55% vốn điều lệ, hằng năm công ty nhận mức lãi khoán, lãi đầu tư vốn theo hợp đồng góp vốn. Năm 2009, phía đối tác trả nợ Foodinco, do đó vốn góp của Foodinco đã tăng lên 78,43%. Nhưng qua kiểm tra thực tế thì không có nhà máy gạch tuy - nen mà chỉ là một lò gạch thủ công không đúng với mức kinh phí dự án đầu tư (số tiền bị chiếm đoạt lên đến trên 1 triệu USD).

Còn đối với vốn đầu tư tại Công ty TNHH Foodinco Savanakhet (CHDCND Lào) do đầu tư không hiệu quả nên ngày 31-12-2009, Tổng công ty đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho ông Nguyễn Bá Đi với số tiền là 40.900 USD. Như vậy sau khi chuyển nhượng dự án, số tiền đầu tư thể hiện trên sổ sách phải xử lý là 5,678 tỷ đồng, trong đó ông Đi còn nợ 469 triệu đồng và lỗ do chi phí đầu tư, nợ khó đòi là 5,209 tỷ đồng

Cũng theo kết luận của Ban kiểm soát tổng công ty thì việc kinh doanh thua lỗ, đầu tư không hiệu quả do các nguyên nhân chính sau: Do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong thời gian quá dài dẫn đến không kiểm soát được hoạt động mua vào, bán ra so với phương án được duyệt; là sự “lắt léo” trong hoạt động “công ty sân sau”. Sự làm ăn thua lỗ này ẩn chứa nhiều yếu tố bất bình thường với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, cố ý làm trái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong quản lý và sử dụng vốn dễ dãi, thiếu thận trọng, để khách hàng chiếm dụng và chiếm đoạt tài sản nhưng không được lãnh đạo tổng công ty xử lý đến nơi đến chốn, các cá nhân gây thất thoát nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm, đã gây sự bức xúc trong CBCNV và các cổ đông. Cách điều hành quản lý như vậy đã góp phần làm cho tình hình tài chính của Foodinco ngày càng khó khăn trầm trọng. Trong quản lý tài sản xảy ra nhiều sai phạm, nhất là trong việc thanh lý tài sản không minh bạch, không qua đấu giá công khai theo quy định; tự ý định giá cho nhau giữa các cá nhân lãnh đạo…

Tài sản công rơi vào túi cá nhân?

Điển hình như các vụ thanh lý 8 ô-tô con cho lãnh đạo công ty; trong đó đáng chú ý là ông Trần Chữ, Phó tổng giám đốc trực, năm 2009 được mua một xe ô-tô Ford 4 chỗ (sau đó ông bán lại hưởng lãi chênh lệnh 150 triệu đồng), tiếp đó ông được mua thêm xe ô tô Camry 2.4 đời 2009 với giá rẻ thấp hơn khoảng 16.000 USD so với giá thị trường cùng loại ở thời điểm đó. Vụ chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất mặt tiền, nghiêm trọng nhất là việc “phù phép” bán ngôi nhà 168 Bạch Đằng cho chính ông Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Phương (ông này trước đây đã từng được “ưu ái” mua ngôi nhà 201, đường Trần Phú của tổng công ty). Riêng ngôi nhà 168 Bạch Đằng, ông Phương đã bán sang tay, kiếm lời trên dưới 3 tỷ đồng (dư luận cho rằng việc mua bán này có sự thông đồng để chia nhau). Vụ bán vùng kho của tổng công ty (xã Vĩnh Phương, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có sức chứa 12 ngàn tấn (thực chất là biển thủ tài sản) cho cháu ruột của ông Nguyễn Quang Thuật, Tổng giám đốc Foodinco… Đại hội cổ đông của Foodinco tổ chức tháng 4-2010 đã “phế truất” tất cả các chức danh lãnh đạo (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc) đối với ông Nguyễn Quang Thuật. Có thể nói đây chỉ là “giọt nước tràn ly”, đỉnh điểm về những sai phạm nghiêm trọng của ông Thuật đã bị phơi bày khi mà mọi mưu toan che chắn bấy lâu nay của cá nhân ông ta cùng “ô dù” không còn đủ sức níu kéo…

Sai phạm quá rõ… mò không ra tội?

Trước những sai phạm nghiêm trọng kéo dài có tính “hệ thống” của ông Tổng giám đốc Nguyễn Quang Thuật và một số thân cận, những năm qua, nhiều CBCNV và cổ đông của Foodinco vẫn kiên trì “cõng” đơn thư tố cáo, khiếu nại đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến T.Ư và ngành chủ quản. Nhưng đáng tiếc không hiểu sao cho đến thời điểm này những sai phạm xảy ra ở Foodinco (từ chuyện đầu tư đến tài chính, quản lý điều hành…) vẫn rơi vào im lặng, vẫn chưa được làm rõ, xử lý theo đúng pháp luật. Trong suốt thời gian qua, nhiều lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Foodinco đã “làm mưa làm gió” như:

Ông Nguyễn Quang Thuật, nguyên Tổng giám đốc Foodinco, chủ dự án Nhà máy đường Quảng Nam, câu kết cùng nhà cung cấp thiết bị rút ruột nhà máy, dẫn đến hậu quả nhà máy hoạt động thua lỗ, bị phá sản, gây thiệt hại trên 300 tỷ đồng. Vụ việc này đã từng được hàng chục cơ quan truyền thông báo chí T.Ư, địa phương đồng loạt phản ánh; các vị đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam chất vấn tại nhiều kỳ họp của Quốc hội và đích thân Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng có chỉ đạo làm rõ…

Hay việc bà Trần Thị Tiến, Giám đốc chi nhánh Quy Nhơn (thuộc Foodinco) chiếm dụng vốn của tổng công ty để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Việc ông Phan Tất Thành, Giám đốc chi nhánh Quy Nhơn (thay bà Tiến) đã lập quỹ trái phép, chi thưởng sai nguyên tắc, gây thất thoát trên 74 tỷ đồng. Điển hình hơn như vụ Xí nghiệp thương mại - dịch vụ do bà Phạm Thị Đăng Thành làm Giám đốc đã nâng khống cước vận chuyển để rút số tiền 450 triệu đồng đưa hối lộ cho Trần Ngộ Phương, Phó tổng giám đốc để được phân cho lô hàng 4.600 tấn phân u-rê…

Trên đây chỉ là số ít trong hàng chục vụ việc sai phạm, tiêu cực xảy ra tại Foodinco từ nhiều năm nay, gây thiệt hại cho Nhà nước và người lao động tại doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng. Được biết có một số vụ việc đã được công an tỉnh Bình Định, công an TP Đà Nẵng, C48 (Văn phòng khu vực miền Trung - Tây Nguyên thuộc Bộ Công an) vào cuộc điều tra hàng năm nay nhưng chưa hề có vụ việc nào được đưa ra ánh sáng, chưa được kết luận, xử lý ?

Mới đây Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng TP Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị lên Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, về những sai phạm xảy ra ở tổng công ty này. Dư luận trên địa bàn quan tâm và hy vọng “câu chuyện của Foodinco” sẽ không bị “chìm xuồng”, những kẻ có tội phải được định tội rõ ràng, để giữ niềm tin cho CBCNV và cổ đông Foodinco vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Bài và ảnh: Lê Thanh