Ở nước ta, tinh thần “tôn sư trọng đạo”, kính trọng thầy cô giáo đã hình thành và được vun đắp qua chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, trở thành truyền thống, thành nếp sống văn hóa cao đẹp của các thế hệ và của mỗi người dân Việt Nam. Kính trọng và biết ơn thầy cô giáo không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở khắp các nước trên thế giới và hầu như ở tất cả các quốc gia đều có một ngày trong năm được chọn làm ngày tôn vinh nghề nhà giáo. Lịch sử còn ghi, tháng 7-1946, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã được thành lập ở Pa-ri (CH Pháp), năm 1949 tổ chức này đã ra “Hiến chương các nhà giáo”, ngày 20-11-1958 quyết định chọn ngày 20-11 hằng năm làm ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”, trong đó có sự tham gia của Công đoàn giáo dục Việt Nam. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam, khi ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 167/HĐBT chọn ngày 20-11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Các thế hệ học sinh và nhân dân cả nước cùng thể hiện sự biết ơn của mình đến các thầy cô giáo đã hết lòng vì học sinh thân yêu và đây cũng là dịp để ngành giáo dục đánh giá lại hoạt động chuyên môn của mình để dạy tốt hơn và học tốt hơn.

Những năm qua, tuy hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn dành những nguồn lực to lớn có thể, những chính sách ưu đãi, những tình cảm trân trọng và việc làm cụ thể để giúp cho ngành giáo dục nước nhà phát triển như xây dựng hệ thống trường học tại khắp các vùng, địa phương từ vùng biên giới Điện Biên, Lai Châu, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ đến vùng hải đảo Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo… Ở đâu có dân, có trẻ em là nơi đó có trường học; chú trọng cải thiện đời sống giáo viên, đặc biệt ở các vùng miền núi, hải đảo; vấn đề sách giáo khoa; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đưa trẻ tới trường” cũng như hệ thống các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tại các vùng miền, đào tạo nên những thế hệ cán bộ, chuyên gia có trình độ cao trong mọi lĩnh vực xây dựng và bảo vệ đất nước, rất nhiều học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế, làm rạng rỡ đất nước và vinh danh trí tuệ con người Việt Nam… Các thế hệ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục nước nhà cũng đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống và trong công việc, đạt được nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp “trồng người” của mình. Những kết quả đạt được là hết sức to lớn, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, ngành giáo dục nước nhà hiện vẫn cần khắc phục, giải quyết nhiều tồn tại như thiếu lớp, thiếu trường; chuyện tiêu cực trong học tập, thi cử; chương trình học tập; đội ngũ thầy cô… để đáp ứng đòi hỏi ngày càng lớn của xã hội, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với Đảng, Nhà nước thì sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân, trong đó có các CCB chúng ta đang là chìa khóa để ngành giáo dục khắc phục những bất cập và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo của mình. Đó là cùng chung tay chăm sóc, dạy dỗ con cháu trong học tập, rèn luyện hàng ngày, giúp các cháu các kỹ năng trong cuộc sống; là việc cùng chăm sóc xây dựng trường lớp; quan tâm chia sẻ với đội ngũ các thầy cô giáo trong công việc cũng như trong đời sống để các thầy cô giáo yên tâm, có điều kiện hết lòng với công việc chuyên môn của mình không chỉ trong dịp Ngày nhà giáo Việt Nam mà còn trong tất cả các ngày trong năm.

Tôn vinh đội ngũ các thế hệ thầy cô giáo và cùng chung sức xây dựng nền giáo dục nước nhà đang là nhiệm vụ, là lương tri của mỗi người chúng ta.

CCB Việt Nam