Nguyễn Việt Chiến

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn.

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi.

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự Biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng.

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân.

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thửơ trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD981 trên vùng đặc quyền kinh tế, sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, đã có những bài viết, các tác phẩm thơ, văn khích lệ tinh thần tự tôn dân tộc. Một trong những sáng tác có giá trị ấy là bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Mở đầu bài thơ là những câu chữ khiến cho chúng ta phải nhớ về nguồn cội dân tộc và tự hào khẳng định mảnh đất thiêng liêng mà cha ông ta đã không tiếc công sức, xương máu gây dựng, giữ gìn, bảo tồn và phát triển: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”. Nhà thơ nhắc đến mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, khẳng đinh nòi giống Lạc Hồng, khích lệ lòng tự hào của một dân tộc. Một liên hệ đến truyền thống đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ nước được nhà thơ thể hiện: “Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn…”. Bài thơ phát triển tự nhiên theo tiến trình lịch sử, những câu thơ khiến chúng ta xúc động và rất đỗi tự hào: “Lời cha dặn phải giữ từng thước đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi”. Và đây là những lời cảnh tỉnh cho kẻ nào muốn ôm giấc mộng xâm lấn bờ cõi Tổ quốc Việt Nam: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/ Đã mười lần giặc đến tự Biển Đông/ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/ Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng/ Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn…” và “Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân…”.
Không tiếc thân mình, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đảo nhỏ của Tổ quốc là chủ đề chính của bài thơ. Đây là một lời hiệu triệu con người hiện tại từ truyền thống đánh giặc giữ nước tự xa xưa. Lũ giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để thoát thân chỉ là một ví dụ trong trăm ngàn ví dụ khác.
“Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ dài, rất tiếc vì khuôn khổ của báo mà Người viết bài này không thể trích dẫn được hết. Xin được chép lại đoạn kết bài thơ để chúng ta cùng suy ngẫm thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm. Đó là truyền thống anh hùng, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của con dân đất Việt:
“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
Khẳng định bờ cõi, tự hào với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhắn gửi, cảnh giác với mưu đồ xâm lăng, bành trướng là những tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến gửi đến chúng ta qua bài thơ này. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc.
Huỳnh Đường