Niềm nở tiếp chúng tôi tại phòng khách, cũng là phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm gồm các mặt hàng mỹ nghệ bằng tre như lọng, tán, bê tích, phất trần và một số mô hình các chùa, tháp… Đó chính là những sản phẩm làm nên danh hiệu “Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên” bởi chúng có mặt tại hàng chục cuộc thi, hội thi hàng thủ công mỹ nghệ ở Trung ương, địa phương, các tỉnh, thành được đánh giá cao, gần đây nhất là Festival Huế 2014. Kề bên là một khoảng sân rộng, là chỗ cho các thợ thủ công làm việc, cũng là lối đi vào khu gia đình ông ở, sau nữa là khu sản xuất gồm máy móc như cưa, khoan, tiện. Điều đặc biệt là các máy này đều do ông tự chế với những mũi khoan cực nhỏ, phù hợp với sản phẩm của mình… bởi ông vốn là sinh viên Trường đại học Bách khoa, ngành cơ khí.
Nơi các thợ thủ công đang miệt mài làm việc, tôi thấy rất nhiều lọng, tán màu vàng, đỏ đã hoàn chỉnh, cái đang được kiểm tra lần cuối, cái đang đóng gói, ông giới thiệu với tôi: “Sản phẩm của bọn mình có mặt hầu khắp các ngôi chùa, đền, đình trên cả nước; sản phẩm đang đóng gói, để gửi đi là của khách Hà Nội đặt đấy… Cơ sở hiện có gần 20 lao động là con em CCB, lương từ 4-6 triệu đồng/tháng và một bữa cơm trưa đầm ấm cùng gia đình, mỗi tháng cơ sở mình sản xuất từ 5-7 lọng”.

  • Để làm được một cái lọng, tán vất vả, kỳ công lắm ông nhỉ -Tôi hỏi?
  • Chắc chắn rồi. Để hoàn thành một chiếc lọng hay tán, đèn phải trải qua hàng chục công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, sự kỳ công và lòng đam mê. Cái lọng giống như cái ô che mưa nắng, nhưng để làm đẹp, cân cái, trước sau không sệ, không sụp là điều rất khó. Khung và thân lọng khi giăng ra hoặc gập lại phải nhẹ, chắc đều. Nan lọng làm bằng tre tươi, được xử lý kỹ, rồi khoan lỗ, uốn cong nhờ sức nóng của lửa, đây chính là khâu quan trọng nhất, người thợ phải kết hợp sự khéo léo của đôi bàn tay, uốn cho đúng kỹ thuật, cộng với xử lý độ nóng của lửa sao cho hợp lý, để làm cong đoạn tre, vì có chỗ cần cong nhiều, chỗ cần cong ít...
  • Để thành công như ngày hôm nay, có phải nghề gia truyền của gia đình không - thưa ông?
  • Ồ, gia truyền gì đâu? Đó là nhờ hơn 20 năm trong quân ngũ đã cho tôi sự nghiêm túc, cẩn thận trong công việc. Năm 1989, về nghỉ theo chế độ 176, cũng là thời gian tôi và gia đình trải qua nhiều khó khăn, nhà nghèo, đông con. Thôi thì làm đủ mọi việc như kéo xe bò, vác thông thuê, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi quyết định sử dụng những kiến thức đã học ngành cơ khí, động viên gia đình tự làm nghề này. Với lại làm lọng, tán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, truyền thống Việt, nên phải bảo tồn và phát triển nó.
    Lúc đầu ông vay vốn bạn bè, họ hàng; tre, sơn phải mua chịu, bán được hàng mới trả dần. Thời điểm này địa phương có 5-6 cơ sở cùng làm, sau do cơ sở ông làm đẹp, uy tín, chất lượng cao, nên mọi đơn đặt hàng đều dồn về cơ sở của ông.
    Đi cùng với đoàn chúng tôi có CCB Phạm Ngọc Bằng - Chủ tịch Hội CCB phường Phường Đúc, TP. Huế, ông cho biết: Hơn 100 hội viên sinh hoạt tại phường, nhưng CCB Hoàng Ngọc Tuyên tuy 70 tuổi với cái tâm-tài-đức của ông thì không ai sánh bằng. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông luôn giúp đỡ mọi người thoát nghèo. Mọi hoạt động của chính quyền, của Hội CCB, ông đều tham gia như làm đường, ủng hộ suất cơm mùa thi, làm cổng chào… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đây chính là một tấm gương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” của phường chúng tôi đấy!
    Bài và ảnh: Thuý Hương