Dự án… bán rừng?
Theo phản ảnh của người dân xã Xuân Thái, huyện Như Thanh về việc phá rừng và mua, bán đất thuộc DA trồng cao su của BQL… Trong vai người đi mua đất, chúng tôi được anh T ở xã Xuân Thái dẫn vào thôn 6. Khoảng cách từ đường trục chính của xã vào thôn 6 chỉ khoảng 2km, nhưng phải mất 30 phút mới tới nơi. Hiện ra trước mắt chúng tôi là khoảng không gian mênh mông rộng hàng chục héc-ta rừng đã được phát quang. Ngay lối vào được BQL cắm biển “Rừng đặc dụng, cấm chăn thả trâu bò”. Rẽ vào một nhà dân xin nước, gặp hai người vừa trên đồi đi xuống, khi chúng tôi hỏi dò chuyện mua đất, người đàn ông trung niên (mặc sắc phục kiểm lâm) trả lời rằng đây là khu vực đất dự án nên không có việc mua bán. Trên đường ra, chúng tôi tạt vào một nhà khác, ngỏ lời muốn mua đất, anh này ra giá 1ha đã trồng keo là 55 triệu đồng - “Tôi có khoảng 5ha, nếu các anh muốn mua cứ chồng tiền là có đất”. Khi hỏi về thủ tục giấy tờ, anh này cho biết: Đất có giá trị trong vòng 50 năm, giấy tờ viết tay vì sổ gốc do BQL giữ. Sau cuộc ngã giá đó, chúng tôi mới biết anh này tên là Luận, người thuộc BQL.
“Ngoài việc trồng keo, anh có thể làm lán trại, nhà tạm phục vụ chăn nuôi”, hết chu kỳ thu hoạch xong lại trồng keo - anh Luận cho biết tiếp.
Vẫn theo anh Luận, cách đây mấy tháng, giá mỗi héc-ta chỉ ngoài 20 triệu đồng, nhưng gần đây do có nhiều người hỏi mua, vả lại đất cũng không có nhiều nên... sốt! Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng mua bán diễn ra khá công khai, một số người ở các huyện Nông Cống, Quảng Xương đã mua được hàng chục héc-ta. Thậm chí một cán bộ có chức sắc trong ngành kiểm lâm ở huyện Như Thanh (không phải người của BQL) cũng đã mua tới 6ha. Việc mua bán đất rừng công khai khiến cho người dân địa phương rất bất bình và đáng nói hơn có dấu hiệu lừa dối người dân vì lúc đầu BQL nói là dự án trồng cao su, nhưng sau khi phá hết rừng lại xoay ra trồng keo. Qua 2 năm triển khai DA, từ chỗ là rừng tự nhiên bạt ngàn, thay vào đó là màu xanh leo lét của những cây keo mới trồng cách đây chừng hơn một tháng…
Tắc trách hay không biết?
Trao đổi với PV, ông Phan Ngọc Nam-Giám đốc BQL cho biết: Ngoài diện tích đã xuống giống, số còn lại khoảng trên dưới 80ha chúng tôi đã giao cho 20 hộ là cán bộ nhân viên của BQL tiếp tục trồng cao su. Trước câu hỏi của chúng tôi về việc có hay không việc chuyển nhượng đất? Ông Nam khẳng định rằng: Chúng tôi giao đất cho cán bộ nhân viên theo tinh thần Nghị định 135 của Chính phủ đối với rừng sản xuất, do đó không thể có chuyện chuyển nhượng... Toàn bộ giấy tờ liên quan đến đất đai tại DA đều do BQL giữ, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra do vậy không thể có chuyện mua bán mà BQL lại không biết!
Ông Lê Văn Đốc-Phó giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho rằng, mọi thủ tục về chuyển đổi rừng nghèo kiệt phòng hộ sang rừng sản xuất đã được thẩm định kỹ càng, được UBND tỉnh phê duyệt. Khi chúng tôi đề cập đến việc mua bán đất tại DA, ông Đốc khẳng định: Đất DA giao cho các hộ theo Nghị định 135, nên không thể có chuyện mua bán. Thông tin các anh cung cấp chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay…
Được biết, trong bản đồ quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006 -2015 vẫn thể hiện: Tiểu khu 629 và 639 vẫn là rừng phòng hộ thuộc quyền BQL cai quản. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, ngày 11-8-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 2343 “Chuyển mục đích sử dụng từ rừng quy hoạch phòng hộ sang rừng sản xuất của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân”. Tiếp sau đó ngày 12-10-2012, tỉnh này lại có quyết định số 3372 “Chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất sang trồng cao su…”.
Từ việc chuyển đổi này khiến cho 200ha rừng phòng hộ đã bị hạ đốn không thương tiếc. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào đầu tháng 9 vừa qua, ở đây vẫn còn những gốc cây rừng to còn trơ gốc sau khai thác và xuất hiện những người dân vào mót gỗ để đốt lấy than hoa bán. Trong khi đó tại Quyết định số 3372 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì cho phép Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân chuyển 200ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, nhưng Điều 2 của quyết định này lại nêu rõ: “Sau 1 năm nếu không trồng xong cao su thì phải trồng rừng trở lại”. Rõ ràng quyết định chuyển đổi của UBND Thanh Hóa đã không được BQL thực hiện đúng bởi đến thời điểm này BQL mới trồng được trên 100ha, số còn lại được giao cho cán bộ nhân viên và xuất hiện việc mua bán sang tay đất rừng trong thời gian qua…
Bài và ảnh:
Hoàng Thanh