“Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp...
Bạn mình! “
(Trong Người sau không bị khuất-10/1970)

Vâng, ông chính là nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923, quê ở xã Nam Dương, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định). Sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi nho học. Cụ nội bốn đời là Vũ Trọng Uy, đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), từng làm tri huyện, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ làm nghề Lương y, chuyên làm phúc cứu người.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là thư ký Hội truyền bá quốc ngữ cùng với cụ Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Hữu Đang tại Hà Nội. Năm 1946 ông tham gia quân đội, học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc năm 1947, thư ký tòa soạn Báo Sông Lô năm 1948, biên tập viên văn nghệ Báo Vệ quốc quân, biên tập viên văn nghệ Báo Cứu quốc, Báo Đại Đoàn kết, Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, trên đường đi thăm nhà thơ Hải Như, nhà báo Lê Nguyên Long (nguyên Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình VTV tại TP.Hồ Chí Minh) gặp một bác đồng hương Nam Định luống tuổi, từng có chức sắc trong cơ quan Nhà nước. Biết nhà báo đi thăm nhà thơ, bác bảo lâu nay bác cứ tưởng nhà thơ là người Hải Phòng vì nhiều người Hải Phòng đều nói nhà thơ Hải Như là đồng hương của họ. Nhưng có lẽ chính bài Thành phố hoa phương đỏ (Lương Vĩnh phổ nhạc), đã làm cho Hải Phòng gắn liền với cái tên “ Thành phố Hoa phượng đỏ” mấy chục năm qua. Bác đồng hương Nam Định tỏ ra rất thích thú như vừa phát hiện ra một điều mới lạ. Đôi mắt bác sáng lên niềm tự hào với quê hương mình đã sinh ra một tài năng như nhà thơ Hải Như.

“Thơ của anh viết ra không để cho người
lười suy nghĩ đọc
Anh không thuộc dòng thù tạc - sân chơi
Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời
Em xem đó con người vẫn còn bị con người
xúc phạm”.
(Trong bài thơ Tự Bạch-1978)

Ngoài hơn 40 bài thơ viết về Bác, nhà thơ còn có loạt bài về đề tài chiến tranh và một tình yêu quê hương tha thiết. Có người nói, nhà thơ Hải Như đã chọn cho mình một phong cách riêng trong sáng tác; tính tư duy độc lập cao, cộng với nhãn quan rất nhạy cảm, tinh tế trước sự vật và hiện tượng, đã tạo cho nhà thơ một lối đi riêng trong thơ ca. Thơ của ông không ca ngợi một chiều mà bao giờ cũng tìm ra cái thật dù cái thật đó trái với ý kiến của nhiều người:
"Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận
Mẹ già ta cần ta cạnh bên người
Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị
Chiếc áo trấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi."
(Trong bài Tô Thị)
Người yêu thơ ông còn nhận ra và ấn tượng bởi tình cảm đối với quê hương Nam Định. Ông yêu quê hương không chỉ bằng những vần thơ mượt mà chứa chan nỗi nhớ. Đến thăm nhà thơ lần nào cũng được nhà thơ say sưa nói về đất và người Nam Định. Ông luôn tự hào là người sinh ra cùng thời với Văn Cao (cùng sinh năm Quý Hợi 1923 nhưng sau Văn Cao 12 ngày, lời ông kể), cùng quê và thân thiết với Nguyễn Bính, Phan Điền, Thép Mới, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn An, Trần Xuân Bách….Chúng ta không thể liệt kê hết những bài thơ của ông viết về quê hương và bài nào cũng cồn cào nỗi nhớ nhung, niềm tự hào với quê hương.
“Về Nam Định đi với anh-em sẽ vui và cả buồn
sung sướng gặp
Vũ Hoàng Chương đang ngắm “Mây” tựa lan can
căn gác phố Cửa trường
Và Nguyễn Bính vừa đọc thơ cho chị em chợ Rồng
nghe-Bài “Lỡ bước sang ngang“ em thuộc đó
Nam Định còn phải mang tính cách thành phố
Văn Chương…”
(Trong bài Nhớ về Nam Định-1982)
Theo nhà báo Lê Nguyên Long, đầu thập niên 1970, ông Lê Đức Thọ- Nguyên trưởng ban tổ chức Trung ương, đã từng tự hào kể cho hai phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Paris rằng quê hương Nam Định có Văn Cao, tác giả Quốc ca và Hải Như có nhiều bài thơ hay về Hồ Chủ tịch. Điều đặc biệt, ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ cùng với cố Đại tướng Mai Chí Thọ, đã tìm kiếm, qui tụ những người cùng quê Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), đang sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh thành lập Hội đồng hương Nam Hà để mọi người luôn nhớ về quê hương và tự hào được sinh ra tại một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nhân lúc nhà thơ bước sang tuổi 92, chúng tôi đến thăm ông lại được đắm mình trong dòng chảy ký ức về quê hương Thiên Trường - Đông A hào khí. Riêng ông, ông cũng mãi tự hào vì mình từng là Bộ đội Cụ Hồ và đã viết hơn 40 bài thơ hay về Bác, Người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.
Công Thi – Nguyên Long