Lo sợ trước việc sạt lở tại đây, đã có cảnh báo nhắc nhở người dân đi làm tránh khu vực nguy hiểm.

Những ngày gần đây, dòng sông Lô đoạn chảy qua các xã Bình Phú, An Đạo của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ bỗng trở nên nhộn nhịp tàu thuyền hút cát. Dưới dòng sông, vài chục con tàu hút - chờ “ăn cát” bu dày đặc, còn trên bãi ven sông thì ruộng ngô, ruộng lạc của người dân ngày tháng cứ… trôi theo cát!

Dân kêu không thấu…

Theo một số người dân xã Bình Phú (trước là xã Tử Đà), mỗi ngày hàng chục con tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động hết công suất, hút sâu vài chục mét xuống lòng đất khiến cho đất canh tác của người dân sạt lở trôi hết xuống dòng sông Lô.

Ông Trần Duy Q..., người dân xã Bình Phú bức xúc nói: Trước đây, bãi soi của người dân khu 3 xã tôi trải dài hàng trăm mét ra tới bờ sông, nhưng giờ có đoạn chỉ cách bờ vài chục mét.

Theo ông Q, thì nguyên do là việc chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ cho doanh nghiệp vào khai thác cát, nhưng lợi dụng những doanh nghiệp được cấp phép, bọn “cát tặc” cũng vào khai thác trộm khiến cho ruộng ngô, ruộng lạc của dân bị sạt lở.

Nhà ông Q. cũng có 3 dãy ngô, giáp với mỏ của Công ty CP phát triển Đầu tư Thái Sơn E&C (Cty Thái Sơn). “Thời gian qua Công ty này khai thác khiến cho 3 dãy ngô của tôi cũng bị sạt lở. Phía Công ty chỉ thương thảo đền bù về hoa lợi, còn đất thì họ… bỏ quên”.

Vẫn theo ông Q., những tàu hút cát hút sâu hàng chục mét xuống lòng đất. “Việc hút như vậy khiến cho mùa mưa, nước lũ về, không chỉ ruộng của dân bị sạt mà cứ tình hình này, chả mấy nhà dân ở khu 3 cũng bị trôi hết” - ông Q. lo lắng.

Theo ông Q., đối với Cty Thái Sơn họ được cấp phép, hút trong phạm vi mỏ của họ. Nhưng họ hút mãi thì phạm vi ngoài mỏ sát với ruộng của dân đang canh tác cũng sẽ bị sạt lở. “Ruộng sạt xuống, cát lại trôi vào mỏ của Cty Thái Sơn và cứ thế họ lại hút, chả mất gì, chỉ có mỗi dân là mất ruộng” - ông Q. than thở!

Thực trạng việc hút cát tại khu 3, xã Bình Phú đang diễn ra khá phúc tạp, khiến người dân nơi đây cảm thấy bất an. Nhiều lần người dân báo chính quyền địa phương về sự việc trên nhưng tình trạng hút cát vẫn đâu lại vào đó. Tài nguyên thì doanh nghiệp và bọn “cát tặc” thi nhau múc mang đi. Còn hoa màu của dân thì ngày qua ngày cứ trôi theo dòng sông Lô vì vấn nạn khai thác cát!

Xử phạt như… “bắt cóc bỏ đĩa”!

Theo tìm hiểu, tháng 10-2017, Cty Thái Sơn được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy phép khai thác số 29/GP-UBND  cho phép công ty này khai thác cát đến ngày 16-10-2020, với diện tích khai thác là 27,54ha tại khu vực xã Tử Đà (nay là xã Bình Phú). Tuy nhiên, việc hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp này trong thời gian qua cũng bất tuân phát luật. Những tàu cuốc ở đây thường xuyên khai thác ngoài vị trí.

Cụ thể, vào thời điểm giữa năm 2019, Cty Thái Sơn bị “tuýt còi” buộc dừng khai thác khoáng sản 4 tháng vì đã để việc khai thác cát sỏi vượt quá phạm vi ranh giới, độ sâu được phép khai thác theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 36, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản. Công ty này sau đó bị phạt 100 triệu đồng về hành vi khai thác không đúng ranh giới mỏ.

Cũng tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản chỉ đạo đối với những trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Nếu còn để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông Lô và các tuyến sông khác trên địa bàn toàn tỉnh thì Giám đốc Công an tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy chỉ đạo như vậy nhưng tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông Lô tại xã Bình Phú, đoạn giáp ranh mỏ của Cty Thái Sơn những ngày đầu năm 2020 lại trở lên rầm rộ, khiến cho tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Bằng chứng là tại khu vực giáp mỏ của công ty này và một số vị trí thuộc khu vực giao cho công ty khoanh bảo vệ không được khai thác cát, đã xuất hiện việc khai thác cát sỏi gây sạt lở đất canh tác của nhân dân.

Cụ thể, tại vị trí giáp Trạm bơm Gai Hạ có diện tích sạt lở khoảng 2.522,5m2. Tại vị trí mốc số: 1,24,25,26,27,19,1 (giáp xã Bình Bộ cũ), một số tàu hút, phao cẩu khai thác vào phạm vi khoanh bảo vệ. Mốc số 19,1,24 diện tích sạt lở khoảng 1.764,5m2. Tại vị trí mốc 36,C,D,R,37 (diện tích 1,51ha có tranh chấp trước đây) diện tích sạt lở khoảng 1.636m2. Ngoài ra một số vị trí khác dọc theo phạm vi cấp phép có sạt lở vào đất canh tác của các hộ dân. Diện tích sạt lở khoảng 4.327m2.

Trước đó, ngày 14-2-2010, Sở TNMT tỉnh Phú Thọ đã đi kiểm tra thực trạng và có Văn bản số 261 gửi UBND huyện Phù Ninh, UBND xã Bình Phú và Cty Thái Sơn. Theo văn bản của Sở TNMT thì qua kiểm tra việc phản ánh khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông Lô tại địa bàn xã Bình Phú, tại vị trí giáp mốc 24 (ngoài ranh giới mỏ của Cty Thái Sơn) vẫn có 3 tàu hút, 5 phao gàu giây (trong đó 4 tàu không hoạt động, 1 tàu hoạt động) đang khai thác cát, sỏi lòng sông Lô vào phạm vi đất bãi của người dân.

Sở TNMT đề nghị Cty Thái Sơn: Cắm (khôi phục) mốc chỉ giới (mốc gửi); thả phao tiêu khoanh định rõ mốc giới, vị trí khu vực được cấp phép khai thác để chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết, giám sát; chỉ khai thác từ 6 đến 18 giờ trong ngày, không khai thác vào ban đêm; gắn biển, đề tên doanh nghiệp trên các phương tiện khai thác…. Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong khu vực mỏ. Đặc biệt khi phát hiện hành vi khai thác trái phép trong khu vực mỏ và khu vực tiếp giáp với mỏ, phải kịp thời báo chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý. Và dừng ngay hoạt động khai thác tại các vị trí có nguy cơ sạt lở bò vỏ sông.

Mặc dù chỉ đạo như vậy nhưng ghi nhận của PV vào ngày 20-3-2020, nhiều khu vực đất của người dân đang canh tác trồng ngô, trồng lạc tại khu 3, xã Bình Phú đã bị sạt lở hàng nghìn mét vuông, nhưng phía Cty Thái Sơn vẫn bất chấp để cho tàu tiếp tục khai thác cát. Các tàu này không thấy đề tên biển của doanh nghiệp. Không những thế, nhiều vị trí tiếp giáp với mỏ của Cty Thái Sơn, dấu hiệu hút cát trái phép vẫn diễn ra nhưng dường như không có động thái nào ngăn chặn ngoài mấy biển cảnh báo sạt lở được dựng lên…

Tư Hoành