Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, CCB Thạch Sương (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội) thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, đã giúp gia đình ông thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Bạc Liêu được triển khai kịp thời, từ nguồn vốn này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Trần Quang Sơn - Giám đốc Ngân hàng CSXH Bạc Liêu cho biết: “Ngân hàng CSXH Bạc Liêu đã luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm qua, chi nhánh Ngân hàng CSXH phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác nguồn vốn vay với tổng doanh số là hơn 14 tỷ đồng cho 1.135 hộ được thụ hưởng. Từ nguồn vốn này đã giúp cho 250 hộ vay vốn để giải quyết đất ở, đất sản xuất, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương”.

Ngày nay, đồng bào Khmer trong các ấp xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) - nơi có đồng bào Khmer chiếm gần 68% - đã sử dụng đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thâm canh ruộng lúa làm ra hạt gạo trắng, cải tạo bãi biển sình lầy thành ao đầm nuôi tôm sú, cá bống tượng, phát triển ngành nghề truyền thống. Cuộc sống của người dân tộc ở đây thêm no đủ từ đồng vốn tín dụng ưu đãi.

Nhiều năm liền, CCB Thạch Sương thuộc đối tượng hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Trong lúc loay hoay tìm kế sinh nhai, vợ chồng anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp Cái Giá (xã Hưng Hội) hướng dẫn làm hồ sơ vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH. Anh Sương đầu tư mua 2 con bò nuôi sinh sản. Tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, nhất là kỹ thuật chăn nuôi bò, nên gia đình anh Sương áp dụng thành công mô hình nuôi bò sinh sản, mỗi năm thu nhập thêm 30 triệu đồng. Có vốn, anh chuộc lại đất và đầu tư trồng hoa màu, góp phần ổn định cuộc sống. CCB Thạch Sương mong muốn, vươn lên thoát nghèo bền vững, hoàn trả vốn vay cho nhà nước để những hộ khó khăn hơn có thêm cơ hội nhận chính sách ưu đãi này.

CCB Nguyễn Hoàng Em - Chủ tịch UBND xã Hưng Hội phấn khởi khẳng định: “Với việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con người dân tộc Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Năm 2016, xã có 610 hộ nghèo (chiếm 20,5%), hiện nay chỉ còn 47 hộ nghèo (chiếm 1,6%). Ðời sống kinh tế của đồng bào Khmer trong xã ngày càng phát triển, nhiều gia đình xây nhà cửa khang trang với nhiều vật dụng giá trị, có điều kiện cho con ăn học đàng hoàng, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021”.

Đánh giá cao vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Bùi Minh Túy - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, nhiều năm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như những “cánh tay” nối dài của NHCSXH, được phân bổ rộng khắp ở tất cả các ấp, khóm trong tỉnh. Phương thức cho vay ủy thác đã gắn kết Ngân hàng CSXH - chính quyền - các hội, đoàn thể - Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. “Nếu như cuối năm 2019, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 548 hộ (chiếm 17,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh), thì đến nay còn 200 hộ (chiếm 5,83%)” - ông Túy nói.

Có thể khẳng định, công cuộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bạc Liêu được thực hiện nhờ “bà đỡ” là NHCSXH, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, chung sức xây dựng, phát triển quê hương.

Phương Nghi