Binh lính Nga trên chiến trường Ukraine.

Khi Nga tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chẳng ai có thể giải thích được ý nghĩa của từ “đặc biệt”. Nhưng đến lúc này, có thể suy luận rằng đó là một chiến dịch kéo dài mà giới quân sự gọi là hình thức tác chiến tiêu hao, bên nào hao lực, hụt hơi trước sẽ thua trận. Vậy chiến sự tiêu hao này sẽ kéo dài đến lúc nào? Đã có vài tín hiệu cho câu trả lời.

Kể từ ngày 22-2-2022 khi Tổng thống Nga - Vladimir Putin tuyên bố với thế giới về việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, quân đội Nga đã mở nhiều hướng tấn công thần tốc trên nhiều hướng, có lúc uy hiếp Thủ đô Kiev nhưng rồi nhịp tấn công giảm dần. Tới nay, Nga gần như đã đạt được mục đích của mình với việc sáp nhập 4 tỉnh miền Đông của Ukraine, gần hoàn tất việc chiếm giữ và giữ thế thủ với các khu vực này. Trong khi đó, với viện trợ về tài chính và vũ khí của phương Tây, Ukraine thực tế đã tiến hành nhiều đợt phản công nhưng thất bại nhiều hơn thành công. Viện trợ của phương Tây có vẻ chưa đủ mạnh hoặc chưa đủ độ dứt khoát để đương đầu với hỏa lực của Nga.

Trong thế trận này, các báo cáo từ chiến trường và các thông tin ngoại giao cho thấy sự ủng hộ về nguồn lực cho Kiev đang cạn dần. Các ví dụ có thể thấy rõ ngay từ các nước láng giềng của Ukraine và xa hơn nữa là từ nguồn lực chủ chốt: Mỹ. Phe dân túy thắng cử ở Slovakia dọa quay lưng lại với Kiev, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị phế truất ngay sau thỏa thuận tránh đóng cửa có dính dáng với viện trợ cho Ukraine, căng thẳng về vấn đề ngũ cốc, Ba Lan tuyên bố ngừng cấp vũ khí... Những diễn biến chính trị ở các nước đồng minh thời gian gần đây đang được Kiev theo dõi với nhiều lo ngại giữa lúc cuộc chiến tranh ở Ukraine đang kéo dài chưa biết đến bao giờ.

Trước tình trạng lạm phát gần 10% và sự mệt mỏi của người dân đối với việc tiếp đón người tị nạn Ukraine, Đảng Dân chủ Xã hội Slovakia ngày 1-10 đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp nước này. Robert Fico - lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Slovak - đảng dân túy thân Nga vừa thắng cử tại Slovakia, đã tuyên bố thẳng thừng: “Không một viên đạn cho Kiev”. Hiện còn có nguy cơ Slovakia sẽ cùng với Hungary phản đối các biện pháp hỗ trợ Ukraine tại các cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU), như phiếu phản đối của Budapest đối với gói hỗ trợ 500 triệu Euro cho Kiev.

Trong khi đó, tại Ba Lan, trước thềm cuộc bầu cử ngày 15-10, Thủ tướng Ba Lan - Mateusz Morawiecki đã thông báo ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và chỉ cam kết hoàn thành các hợp đồng cũ với Kiev. Điều đáng lo ngại với Ukraine là Slovakia và Ba Lan có thể tham gia mặt trận với Hungary, quốc gia vẫn luôn không ngần ngại ngăn cản các chủ trương của EU duy trì cung cấp vũ khí lâu dài cho Ukraine.

Tuy nhiên, sự hụt hơi của Mỹ mới là điều Ukraine quan ngại nhất. Mỹ đã cung cấp một nửa thiết bị mà quân đội của Kiev đang sử dụng tại chiến trường hiện nay. Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Kevin McCarthy bị bãi nhiệm hôm 3-10 không chỉ khiến Ukraine mà cả các đồng minh khác cũng phải giật mình. Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã tìm ra một thỏa hiệp giúp tránh được tình trạng đóng cửa, chính phủ tê liệt vì hết tiền nhưng Luật Tài chính được các nghị sĩ thông qua vào phút cuối đã loại trừ 24 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Tuy nhiên, phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa cho rằng Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã có thỏa thuận ngầm với Tổng thống - Joe Biden để duy trì khoản viện trợ quân sự cho Kiev. Đó chính là lý do mà một nhóm nhỏ nghị sĩ nhánh hữu trong Đảng Cộng hòa nổi dậy phế truất Chủ tịch Hạ viện bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Rõ ràng, việc đình chỉ viện trợ quân sự của Mỹ sẽ gây hậu quả tức thì. Chỉ riêng Mỹ đã cung cấp hơn một nửa số thiết bị của quân đội Ukraine đang sử dụng ở mặt trận. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, 31 nước phương Tây đã viện trợ quân sự cho Kiev từ đầu cuộc chiến tranh. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với số lượng vũ khí, khí tài trị giá tới 42 tỷ Euro; trong khi đó, tổng viện trợ của các đồng minh khác chỉ chiếm khoảng chưa đầy 5 tỷ Euro.

Xung đột, chiến tranh là điều không dân tộc nào mong muốn. Thế nhưng, khi nó đã xảy ra, nhất là trong chiến lược đánh tiêu hao thì rõ ràng bên nào nguồn lực yếu sẽ hứng thất bại. Đã thế, các điều kiện để đàm phán hòa bình của Nga và Ukraine lại khác nhau hoàn toàn. Vậy nên kết cục của chiến sự này đến bao giờ còn tùy thuộc vào nguồn viện trợ của phương Tây cho Ukraine mà thôi.

         Thanh Huyền