Khám bệnh, cấp thuốc miến phí nhân dịp Tết Kỷ Hợi cho đối tượng chính sách tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng
Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi Người có công (NCC) ngày càng được hoàn thiện về diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng như đối với việc xác nhận liệt sĩ, thương binh... toàn quốc xác nhận trên 9,1 triệu NCC (trong đó có trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng). Hằng năm, Nhà nước dành kinh phí trên 30.000 tỷ đồng, chi trợ cấp hàng tháng, một lần cho NCC; hiện mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC là 1.515.000 đồng cao hơn mức chuẩn lương cán bộ, công chức.
Ngoài chế độ trợ cấp, NCC với cách mạng tùy theo diện đối tượng còn được hưởng một số chế độ Ưu đãi khác như: ưu đãi về đất ở, nhà ở; cấp thẻ Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; giáo dục - đào tạo; tín dụng... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và được các cơ sở giáo dục tại địa phương chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
Sửa đổi để đáp ứng với thực tiễn
Nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nâng cao hơn nữa đời sống NCC, Bộ LĐTBXH đang tập trung hoàn thiện Dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng trong năm 2019 này. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cho biết: Trong lần sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi NCC và các chính sách có liên quan tới đây, Bộ LĐTBXH đề ra một số phương hướng sau:
Sửa đổi, chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận NCC, đặc biệt là điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong thời bình để bảo đảm cân đối trong tổng thể chung, bảo đảm sự công bằng bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng ở từng giai đoạn cách mạng.
Rà soát, cân đối lại các mức trợ cấp , phụ cấp để đảm bảo tương quan với mức độ đóng góp, hy sinh của từng nhóm đối tượng. Nâng cao hơn nữa các mức trợ cấp đồng thời bổ sung các chính sách còn thiếu, chưa có trong pháp lệnh như: trợ cấp một lần đối với thân nhân Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, NCC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đang hưởng trợ cấp mức 1 từ trước ngày 1-9-2012...
Mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến theo hướng thay thế khái niệm “trực tiếp phục vụ chiến đấu” bằng “làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”; Chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình; Sửa đổi khái niệm “người hoạt động kháng chiến bị chất độc hóa học” thành “người hoạt động kháng chiến có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học”. Ngoài các trường hợp Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 quy định, bổ sung thêm 2 trường hợp cũng được xác nhận là liệt sĩ gồm: Do ốm đau, tai nạn khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ; Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh.
Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân vào phong trào đền ơn đáp nghĩa , hỗ trợ NCC để cùng với Nhà nước chăm lo tốt đời sống với cách mạng cả về vật chất và tinh thần. Tăng cường các cơ chế, chính sách hỗ trợ gia đình NCC tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương đất nước như: Hỗ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển dụng...
Dương Sơn