Dù vô tình hay cố ý, nhưng khi tiếng còi của trọng tài đã vang lên là cấm cãi. Vì luật bóng đá quy định trọng tài là người đưa ra quyết định cuối cùng mà không thể thay đổi hay phản đối được.
Hậu quả của tiếng còi sai thì khỏi phải nói. Điển hình như trận mở màn, sau tiếng coi sai ấy cục diện trận đấu đã lập tức thay đổi, có lợi cho đội Bra-xin.
Không chỉ bóng đá, mà trong cuộc sống của chúng ta, tuy cách gọi khác nhau nhưng ở lĩnh vực nào cũng có trọng tài được giao quyền sinh, quyền sát như thế. Và thật đáng tiếc không thiếu trọng tài thổi sai. Chắc khó mà thống kê đầy đủ được, nhưng chỉ biết trọng tài ở vị trí càng cao thổi còi sai thì hậu quả càng lớn.
Nguyên nhân dẫn đến tiếng còi sai phần lớn do không biết nên “quyết” sai, nhưng cũng không hiếm trường hợp biết sai vẫn thổi. Đó là loại trọng tài thiếu đức, lợi dụng quyền hạn được trao để đặt lợi ích của một người hay một nhóm người lên trên lợi ích của tập thể. Loại trọng tài này càng giỏi càng gây hậu quả lớn... Chính vì thế mà chọn người cầm còi bao giờ cũng là việc khó nhất của những việc khó nhất. Chọn sao để kiếm được người vừa đủ đức, vừa đủ tài để giao còi cho họ. Nhưng một khi hỏng ngay ở khâu chọn trọng tài thì có trọng tài tốt cũng dễ thoái hóa thành xấu!
Những người chọn người thổi còi; những người được thổi còi và tất cả chúng ta nữa đừng quên câu nói chua chát của ông bầu đội Crô-a-ti-a: “Thật đáng xấu hổ, trọng tài đã thổi còi một cách vô trách nhiệm”.
Huy Thiêm