Trong khi đó, Trung Quốc không hề có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Nhiều bản đồ, gần nhất là bản đồ của Trung Quốc xuất bản đầu những năm 30 của thế kỷ trước, mô tả đảo Hải Nam là tận cùng phía nam của Trung Quốc, không hề có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế giới hẳn chưa quên sự kiện tháng 3-2014, nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới CHLB Đức, Thủ tướng CHLB Đức bà An-giê-la Mác-ken đã tặng Chủ tịch Tập Cận Bình món quà là một trong số các bản đồ nói trên.
Thực tế chỉ ra rằng, sau thời kỳ nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ Pháp và Việt Nam đều tiếp tục duy trì chủ quyền và quản lý trên thực tế đối với hai quần đảo này. Khi thiết lập nền bảo hộ tại Việt Nam vào năm 1884, Pháp đã tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhân danh Việt Nam, xây dựng Trạm khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí cuối năm 1973, các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đóng trên quần đảo còn cứu một gia đình ngư dân (5 người) Trung Quốc chẳng may gặp sóng to, gió lớn dạt vào đảo, chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của mình để cưu mang gia đình ngư dân này.
Có thể nói, tháng 9-1951, Hội nghị hòa bình tại Xan Phờ-ran-xcô (Mỹ) với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia, nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại hội nghị này, trưởng phái đoàn Việt Nam, ông Trần Văn Hữu, khi đó là Thủ tướng dưới thời Vua Bảo Đại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sự hiện diện của đại diện 50 nước khác, trong đó có Trung Quốc mà không gặp phải sự phản đối nào. Trong khi đó, có tới 48/51 quốc gia tham dự hội nghị đã bác bỏ đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 7-1954, các bên trong đó có Trung Quốc tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ công nhận và tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau khi Pháp rút các lực lượng khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đã phục hồi việc thực thi chủ quyền, quản lý đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có nhiều hành động và đưa ra một số tuyên bố để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này.
Ấy vậy, năm 1956, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm khu vực phía Đông và tháng 1-1974, chiếm nốt khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 3-1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma do Việt Nam quản lý.
Theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu lãnh thổ là không được thừa nhận. Hành động nói trên của Trung Quốc đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương LHQ. Do vậy, việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa hiện nay là không có giá trị, dù Trung Quốc đã ở đó bao lâu và thực hiện những biện pháp gì nhằm thực thi sự quản lý. Cho nên, tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) là phi pháp.
Trong khi đó, từ sau năm 1974, Việt Nam tiếp tục khẳng định và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối các hoạt động phi pháp cũng như yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Từ ngày 2-5-2014, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc luôn biện minh cho hành động ngang ngược của mình là giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cái gọi là “Tây Sa” (Hoàng Sa) của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn phi pháp, sai trái về mặt luật pháp quốc tế. Hơn nữa, Trung Quốc sử dụng số lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, quân sự cùng máy bay chiến đấu để hộ tống trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hiến chương LHQ đã cấm tất cả các hành động sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực nói chung và liên quan đến các vấn đề lãnh thổ nói riêng. Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng an toàn 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 cũng là hành vi hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.
Cái gọi' là “trỗi dậy hòa bình,'' cam kết không bá quyền, trấn an thế giới về sự phát triển của mình đã đi ngược với những hành động gây hấn và khiêu khích từ năm 2009 trở lại đây trên biển Đông và biển Hoa Đông, thế giới đã thấy những mưu toan che đậy những gì mà Trung Quốc thật sự đang làm, giữa khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc.
Rõ ràng, thế giới đang nhìn Trung Quốc như là một cường quốc ngày càng ưa sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông và ngày càng hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc muốn biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng chủ quyền tại Biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng và cộng tác giữa Trung Quốc và các nước tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì vậy, lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc hết sức suy giảm, họ càng bị cô lập trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bởi một môi trường hòa bình, hợp tác vì phồn vinh chung không thể tạo dựng bằng chính sách cường quyền?
Thanh Lâm