CCB Nguyễn Xuân Cát bên mô hình trồng mắc ca xen cây chè.
Tiên phong đưa cây mắc ca trồng xen canh cây chè trên đất Tân Uyên mang lại hiệu quả cao là CCB Nguyễn Xuân Cát, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Hơn 10 năm trước, sau khi tìm hiểu và biết mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao, ông Cát đã “liều mình” thử nghiệm 200 cây. Theo ông, loài cây này chịu hạn, ưa sáng, khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Tân Uyên. Trong khi đó, mắc ca được coi là “nữ hoàng của các loại hạt” hoặc “cây quý tộc” vì hàm lượng dinh dưỡng cao, vị béo bùi đặc trưng và ngày càng được ưa chuộng nên nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên.
Năm 2015, gia đình ông Cát thu hoạch vụ mắc ca đầu tiên. Ông cho biết: Mỗi năm 1ha mắc ca cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, gấp 3 lần cây chè. Theo ước tính, trên cùng một diện tích, trồng xen canh cây mắc ca và chè, giá trị đã tăng 4 lần.
Sau nhiều năm gây dựng, ông Cát đã có một mô hình kinh tế điển hình của thị trấn với hơn 2ha chè, 1ha mắc ca đang cho thu hoạch. Với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg, trừ chi phí ngoài thu từ chè, mỗi năm cây mắc ca cho gia đình ông thu hơn 150 triệu đồng. Nhờ mắc ca, gia đình ông thoát cảnh chật vật, đời sống trở nên khá giả.
Sản phẩm mắc ca của gia đình ông đã được công nhận sản phẩm nhân hạt mắc ca Tân Uyên đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021; được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.
Hiện nay, CCB Nguyễn Xuân Cát là thành viên CLB CCB làm kinh tế giỏi huyện Tân Uyên, với việc thành công trong mô hình kinh tế của mình, ông Cát cũng nhiệt tình tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhiều gia đình khác ở Tân Uyên trồng loại cây này. Đặc biệt, ông đang hỗ trợ nhiều đồng đội trong Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên mở rộng diện tích mắc ca để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Lê Ngọc