Nhiều CCB ở xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa lựa chọn mô hình trồng cây ăn quả phát triển kinh tế.

Phát huy phẩm chất của người lính, trở về với cuộc sống đời thường, hội viên Hội CCB huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp đỡ, động viên nhau vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội CCB huyện Tuyên Hóa có 4.800 hội viên. Trước đây, hội viên là hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Trước tình hình này, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được các cấp Hội CCB đẩy mạnh với cách làm linh hoạt, phù hợp bám sát kế hoạch, định hướng phát triển KTXH của địa phương và tình hình, điều kiện của hội viên. Trên cơ sở đó, các cấp Hội tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, vận động hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương để xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.

Để giúp hội viên có điều kiện để phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH, quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác nhận ủy thác với ngân hàng với 56 tổ vay vốn, dư nợ tính đến cuối tháng 4-2023 là 126 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, các cấp Hội CCB thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để phát triển sản xuất. Tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng, an toàn. Đặc biệt là huy động nhiều hình thức vay vốn để giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy được tình đồng chí, đồng đội, ý chí, nghị lực, thế mạnh của hội viên trong xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả, thu nhập cao. Hiện, toàn huyện có 11 doanh nghiệp, 12 HTX và tổ hợp tác, 7 trang trại và 85 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ. Nhiều CCB làm kinh tế tiêu biểu, như CCB Nguyễn Xuân Thiết ở xã Hương Hóa với mô hình sản xuất trồng rừng cây bản địa và xây dựng công trình dân dụng cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đồng chí Lương Văn Thành - Chủ tịch Hội CCB huyện Tuyên Hóa cho biết: Trước kia, nhiều hội viên còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, phương tiện sản xuất… Tuy nhiên, thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của Hội CCB các cấp và các ngành, đoàn thể ở địa phương, cùng với đó sự cần mẫn vốn có, các hội viên đã nỗ lực hết mình trong lao động sản xuất cũng như đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong xây dựng kinh tế gia đình. Qua 5 năm thực hiện phong trào, các chi hội, gia đình hội viên đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, hiệu quả của việc giúp nhau phát triển kinh tế, xem đó là nhiệm vụ quan trọng của hội và gia đình hội viên, là tiêu chí xây dựng hội toàn diện”. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện để hội viên được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất do các ngành, đoàn thể tổ chức, từ đó giúp hội viên tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong phát triển mô hình sản xuất sao cho phù hợp với khả năng và sức khỏe của hội viên CCB. Qua đó, các hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao chất lượng và năng suất.

CCB Nguyễn Thành Bình - Chi hội CCB xã Mai Hóa chia sẻ: “Từ lợi thế của địa phương về khí hậu, thổ nhưỡng, chi hội đã khuyến khích hội viên phát huy thế mạnh là trồng rau màu đa canh và tùy theo điều kiện của từng hộ mà trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Hiện tại, số lượng rau màu do các thành viên trong tổ đều được bao tiêu, có đầu ra ổn định nên mọi người rất an tâm sản xuất”.

Từ các phong trào, các mô hình, đời sống kinh tế của hội viên và gia đình CCB được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng và hiện tại toàn Hội không còn hội viên nghèo. Có thể thấy, thông qua các mô hình đã chứng minh được hiệu quả của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, góp phần thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Đồng thời, tạo nên sự gắn kết trong hội viên, giữa hội viên với tổ chức Hội.

Hoàng Thanh