BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo nguồn cung cấp từ lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ở hầu hết các địa phương trong cả nước tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn xảy ra. Ngành BHXH đã nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này song vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trong năm 2018, toàn ngành BHXH tiến hành thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 13.640 đơn vị (trong đó: Thanh tra chuyên ngành tại gần 5.000 đơn vị, thanh tra liên ngành tại hơn 3.000 đơn vị, kiểm tra tại hơn 5.600 đơn vị). Phát hiện có gần 28.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHTN, BHYT với số tiền phải truy đóng là 79,82 tỷ đồng; 39.000 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 43,31 tỷ đồng. Hiện số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn quốc là 6.457 tỷ đồng, bằng 3,4% kế hoạch thu. Nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nợ đọng BHXH xuống mức thấp nhất.

Thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có nhiều biện pháp triển khai thực hiện, qua đó từng bước hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, số nợ giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, BHTN được giải quyết kịp thời hơn. Cụ thể, quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền BHXH, BHTN được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm, hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời được giải quyết chế độ BHTN hoặc tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị, doanh nghiệp mới. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2-4-2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26-12-2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHTN trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH, trong đó tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN. Mặc dù Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các phương án và xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động nhưng đây vẫn là tồn tại cần khắc phục

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã khẳng định: Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH tới người lao động; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Dương Sơn