Các anh Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch CCB phường; Đinh Văn Hải, Phó chủ tịch và Phạm Ngọc Năng, Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp CCB phường Nam Sơn thì cho là đúng. Đào Ngọc Cát từng là phó đoàn nghệ thuật Quân đoàn 1, đàn giỏi hát hay có tiếng. Phạm Thị Liên là chiến sĩ nuôi quân của Nhà hát Quân đội - Tổng cục Chính trị, tươi tắn và giỏi giang quán xuyến.

Năm 1983, từ trong quân đội, anh Cát ra làm cán bộ quản lý điện và công tác thi đua của Xí nghiệp sản xuất vật liệu giao thông 2; chị Liên chuyển ngành về Công ty đá bột xây dựng. Tài sản là hai chiếc ba lô treo toòng teng trên con xỏ cuối gian nhà tạm. Họ còn lăn lộn vài đơn vị khác nữa để kiếm sống, chính đó lại là thời gian tích lũy những vốn liếng và kinh nghiệm làm kinh tế sau này. Năm 1999, khi vợ chồng đã có trợ cấp mất sức và lương hưu, anh chị thuê 1.000m2 đất của phường mãi trong núi, mua đá trắng từ Thanh Hóa chở ra để sản xuất bột đá, bột tôm và đá mài Gra-nít. So với các cơ sở khác trong HTX thì nghề này nặng nhọc và nhiều rủi ro như nắng thì bụi bẩn, mưa đá ướt không xay nghiền được, hàng chậm thanh toán hoặc bị trốn nợ. Anh chị cũng tự hào là Nhà văn hóa thị xã có sản phẩm của mình làm ra. Với 2 máy nghiền, một ô tô vận tải, lưu lượng một tháng tiêu thụ 400m3 đá hộc, sản phẩm cung cấp cho Công ty công trình giao thông 1, Công ty công trình giao thông Bạch Đằng và các đơn vị xây dựng phía Nam, trong đó có nhà văn hoá này. Thời gian cao điểm có 20 công nhân, đều là bộ đội xuất ngũ, con cháu CCB, CQN và có cả thanh niên hư, khó dạy bảo, nhưng chưa dính vào ma túy, tiền sự, tội phạm, lương trung bình một người từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Đối với người chưa có nghề nghiệp, anh chị cùng gia đình làm cam kết, giữ lại một phần lương, khi nào đủ thì xin cho vào học trong trường dạy nghề. Anh chị Cát - Liên tâm sự: Cháu Nguyễn Mạnh Hùng (phường Nam Sơn) học nghề điện Trường cao đẳng nghề Tam Điệp; cháu Nam học lái xe; cháu Trịnh Công Hậu (Thanh Hóa) đang lái xe trong Nhà máy đường Thanh Hóa... hơn 20 cháu được đi học, nay có việc làm ổn định....

Cơ sở sản xuất bột đá mỗi năm thu từ 50 đến 70 triệu đồng. Anh chị xây dựng được nhà cửa khang trang, có thời gian kinh doanh thêm vàng bạc và chăm ba người con ngoan, hiếu thảo. Ngoài việc kinh doanh, anh Cát còn phụ trách CLB văn hóa văn nghệ phường kiêm đội trưởng đội văn nghệ thị xã từng đoạt nhiều giải cao. Đúng là, thuận vợ thuận chồng không lo nghèo khó. Còn một hạnh phúc lớn nhất của anh chị là luôn được sống trong tình cảm sẻ chia, đùm bọc của đồng chí, đồng đội trong Hội CCB và HTX tiểu thủ công nghiệp CCB phường.

Bài và ảnh: Hồ Mạnh Tài