Ngày 26-3, ta giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế, làm tan rã quân đoàn 1 và quân khu 1 ngụy, bắt sống 58.722 tên, thu 140 xe tăng, xe bọc thép và 800 xe quân sự các loại. 35 năm qua, Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát huy truyền thống: Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường, kết hợp với lợi thế là cố đô và di sản văn hóa thế giới để phát triển với mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các đại biểu đã thực sự xúc động khi đồng chí Hồ Xuân Mãn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho biết: Là chiến trường ác liệt, bị tàn phá nặng nề, nhân dân các dân tộc lạc hậu, nghèo khó, lại thêm 87km đường biên giới với nước bạn Lào và 128km bờ biển, tỉnh xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng, bảo vệ vững chắc quê hương, Tổ quốc. 10 năm qua, nhất là trong 3 năm thực hiện CVĐ, tỉnh đã xoá nhà dột nát cho 3,1 vạn đồng bào các dân tộc theo tiêu chí “4 cứng” (nền cứng, tường cứng, cửa cứng và mái cứng), vận động và tổ chức tái định cư cho 1.460 hộ dân vạn đò trên các sông, lạch, cửa biển; giảm hộ nghèo từ 28% xuống còn 7,8%. Nền kinh tế chuyển dịch theo hường dịch vụ, công nghiệp và nông, ngư, lâm nghiệp, hàng năm tăng trưởng trên 10%, bình quân đầu người năm 2009 trên 1.000 USD, tỉnh vươn lên là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực miền Trung.

Hội CCB trong cuộc sống mới luôn tỏ rõ bản chất chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, năm 2009 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Bộ đội biên phòng tỉnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị bảo vệ an ninh biên giới đất liền, biển đảo, nhiều lần đẩy, đuổi hàng chục tàu nước ngoài ra khỏi lãnh hải. Tham gia phát triển kinh tế, xã hội; riêng phong trào “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã xây tặng 52 căn nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách nghèo; xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng và bệnh xá quân dân y kết hợp tại huyện A Lưới trị giá 100 triệu đồng, phân công 13 cán bộ về địa bàn khó khăn xây dựng phong trào, huy động 2.000 ngày công lao động giúp dân; phối hợp xây dựng 20 mô hình kinh tế hộ theo lối “Cầm tay chỉ việc”…

Huyện Nam Đông, có 11 xã, thị trấn thì 7 xã đặc biệt khó khăn, dân số 2,3 vạn người thì 41% là dân tộc Cơ tu, năm 1999 huyện chỉ có 2 thôn đăng ký xây dựng làng văn hóa, năm 2007 có 66/66 thôn đều đăng ký, đến nay 58 thôn đạt tiêu chuẩn (có 10 thôn được công nhận 2 lần) và 87% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng từng bước kiên cố, hiện đại, huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Làng cửa biển Hương Giang (xã Hải Dương, Hương Trà) có 50 gia đình nuôi cá chẽm, với khoảng 300 lồng, mỗi năm thả gần 30.000 con cá giống và thu hoạch gần 60 tấn, thu về khoảng 4 tỷ đồng, được gọi vui là “làng tỷ phú”. Tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Phước, có 4 lồng nuôi cá, mỗi lồng rộng 6m3, mỗi vụ nuôi 2.000 con, từ 3 dến 6 tháng cá lớn mỗi con 1kg, mỗi năm 2 vụ, gia đình anh thu trên 200 triệu đồng. Anh đang cùng nhiều hộ khác phát triển làng cá lên 500 lồng nuôi.

Huyện miền núi, biên giới A Lưới có nhiều bà con dân tộc sinh sống, nhưng có tới 7 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh cùng nhiều thắng cảnh, làng nghề…lại được đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng “Làng thanh niên lập nghiệp” rộng 4.269ha. Đây là một trong 18 làng thanh niên được xây dựng dọc đường Hồ Chí Minh và vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Năm 2010 A Lưới dự chi khoảng 20 tỷ đồng để phát triển du lịch và ước đón 1,5 vạn khách tới tham quan…

Những thành tựu của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua xuất phát từ việc không ngừng tăng cường đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân, phát huy truyền thống 8 chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Đây cũng là nội lực để tỉnh sớm xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Tô Kiều Thẩm