Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có bổ sung quy định áp dụng thí điểm xử phạt riêng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).

Chế tài mạnh với vi phạm giao thông ở thành phố lớn

Thông tin Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường trao đổi với báo giới tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, theo dự thảo Nghị định trên, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tùy theo vi phạm, sẽ bị xử phạt với mức cao hơn quy định chung từ 40-200%, nhưng không vượt quá 40 triệu đồng.

Cụ thể, sẽ tập trung xử lý một số hành vi vi phạm phổ biến mà người tham gia giao thông hay mắc phải và có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực nội thành như: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ; dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định, điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định; sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép ... khi tham gia giao thông. Mức phạt này được áp dụng thí điểm trong 36 tháng.

Sử dụng ngân sách dự phòng địa phương để chống hạn

Trước tình trạng khô hạn đang xảy ra trên diện rộng, mực nước các hồ thuỷ điện tiếp tục xuống thấp, không có nước về bổ sung, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung huy động và có sự hỗ trợ cần thiết từ ngân sách dự phòng ở địa phương để chống hạn và phục vụ nước sinh hoạt.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị số 298/CT-TTg yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất.

Hiện các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang tích cực chỉ đạo lấy nước tập trung khi ngành Điện xả tăng nguồn nước từ các hồ chứa. Các tỉnh miền Trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống hạn, chống xâm nhập mặn. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, có biện pháp đề phòng khả năng xâm nhập sâu và kéo dài....

Hoàn chỉnh các quy định liên quan đến ngân hàng, tín dụng

Xem xét, cho ý kiến về 2 dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, hoàn chỉnh 2 dự án luật theo hướng phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm được vai trò quản lý, giám sát của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng; giải quyết được những vướng mắc, hạn chế và những quy định thiếu chặt chẽ trong luật hiện hành nhằm thực hiện tốt hơn chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phấn đấu thấp hơn năm 2009; tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung-cầu vốn thị trường theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất. Bảo đảm lượng tiền trong lưu thông hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo vốn tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao.

Chỉ đạo rốt ráo cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng,...

Tổ công tác chuyên trách cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng cho biết, cho đến thời điểm này, đã có 24/24 Bộ ngành, 60/63 địa phương hoàn thành giai đoạn rà soát và gửi kết quả về Tổ công tác của Thủ tướng, theo đúng thời hạn đặt ra (ngày 31/3/2010).

Để kịp thời thông tin cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến hết ngày 20/4, các Bộ ngành và địa phương phải tổ chức Hội nghị công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính giai đoạn 2 của Đề án 30.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo rốt ráo các vấn đề quan trọng hiện nay như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng; về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường...

Nghị quyết nêu rõ, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện đúng tiến độ cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong giai đoạn 2 của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực thuế, đất đai, hải quan, thủ tục xây dựng cơ bản, cấp phép đầu tư...

Đồng thời, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiên quyết chỉ đạo, kiểm tra, giám sát không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, tổ chức.

Theo VGP

A Hoàng