Trước khi kết thúc chuyến thăm, sáng ngày 1/5, Thủ tướng đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Thượng Hải của Tập đoàn Trung Hưng. Tập đoàn Trung Hưng được thành lập năm 1985, có trụ sở chính ở thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông, với hoạt động chính là sản xuất thiết bị kỹ thuật phục vụ truyền thông, hệ thống truyền thông đa phương tiện, thiết bị truyền dẫn, nghiên cứu chế tạo các thiết bị vệ tinh, thiết bị truyền hình cáp, linh kiện máy vi tính, hệ thống cảnh báo, bao thầu các công trình trong và ngoài nước. Năm 2009, doanh thu của Trung Hưng đạt 602,73 tỷ NDT (89,9 tỷ USD). Được biết, Tập đoàn đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác ổn định, dài hạn với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin chủ yếu của Trung Quốc gồm các công ty mạng di động, bưu điện; cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho hơn 500 công ty mạng thuộc hơn 135 quốc gia trên thế giới. Đây là một trong những tập đoàn trọng điểm về công nghệ cao của Trung Quốc, đảm nhận nhiều công trình nghiên cứu cấp quốc gia với nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học đặt tại nhiều nước trên thế giới, và đạt được nhiều thành tựu khoa học có giá trị.

Cũng trong buổi sáng ngày 1/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Tập đoàn điện khí Thượng Hải, một trong các tập đoàn chế tạo trang thiết bị tổng hợp lớn nhất Trung Quốc, chuyên sản xuất, chế tạo các loại trang thiết bị và xây dựng công trình nhà máy điện. Tập đoàn điện khí Thượng Hải đã xây dựng các nhà máy phát điện tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Iran, Bangladesh, Pakistan…

Tại chuyến thăm và khảo sát mô hình hoạt động của hai đơn vị nói trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam mong muốn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Thượng Hải nói riêng và các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam luôn coi thành công của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng chính là thành công của mình. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trung Quốc đang trở thành “bạn hàng” lớn của thị trường Việt Nam. Tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa hai bên còn rất nhiều, do đó, cần sự chủ động, tích cực của mỗi doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu và tạo cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, xúc tiến kêu gọi đầu tư phục vụ phát triển đất nước. Theo TTXVN A Hoàng