Sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov. Tham gia hội đàm, về phía Việt Nam có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kazakhstan Vũ Thế Hiệp và đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo. Về phía Kazakhstan có Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Lao động và Bảo hiểm xã hội cùng các quan chức cao cấp khác của Kazakhstan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Karim Massimov thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi của hai nước sang kinh tế thị trường, phát triển bền vững, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp của Chính phủ hai nước ứng phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Chính phủ, nhân dân Kazakhstan đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển đất nước; đánh giá cao vai trò, vị trí của Kazakhstan ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt với nhiều sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân, củng cố tổ chức SNG, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác ở châu Á. Thủ tướng Kazakhstan bày tỏ khâm phục thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập, giữ vững ổn định chính trị xã hội, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao trong nhiều năm, kể cả trong bối cảnh bị tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cần quan tâm, bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực thời gian qua và nhất trí cho rằng, đây là một kênh phối hợp quan trọng cần thúc đẩy trong thời gian tới. Năm 2010, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Kazakhstan là Chủ tịch luân phiên của Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE), đây là những điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển quan hệ với các nước khác ở khu vực. Hai bên đã thống nhất các biện pháp đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, ưu tiên thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, coi đây là hướng hợp tác chiến lược lâu dài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam quyết định nâng mức độ tham gia Diễn đàn “Hội nghị phối hợp hành động và xây dựng các biện pháp tin cậy ở châu Á” (CICA) từ quan sát viên lên thành viên chính thức; đánh giá cao những nỗ lực của Kazakhstan trong các hoạt động của Diễn đàn, góp phần củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Hai bên thống nhất sớm trao đổi văn bản công nhận nhau là nền kinh tế thị trường; ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 35 tại Paris năm 2009. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Karim Massimov đã dành sự quan tâm đặc biệt thảo luận về quan hệ hai nước, nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Kazakhstan thời gian qua phát triển tốt đẹp. Hai bên thoả thuận sẽ tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thống nhất các định hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ. Thay mặt lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ trân trọng mời Tổng thống Kazakhstan Nursultan A. Nazarbayev, Thủ tướng Karim Massimov và các vị lãnh đạo khác của Kazakhstan thăm Việt Nam. Các vị lãnh đạo Kazakhstan đã vui vẻ nhận lời mời và thời gian cụ thể sẽ thu xếp qua đường ngoại giao. Hai Thủ tướng cho rằng, hiện nay mức độ hợp tác kinh tế thương mại còn hết sức khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư; nhấn mạnh cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý của hợp tác song phương, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước vào đầu tư và kinh doanh trên lãnh thổ của nhau. Đặc biệt, hai bên nhất trí ưu tiên thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, coi đây là hướng hợp tác chiến lược lâu dài. Trước mắt, lãnh đạo hai nước ủng hộ việc thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Quốc gia “KazMunaiGaz” của Kazakhstan trong việc tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu và khí đốt ở Kazakhstan, Việt Nam và các nước thứ ba. Hai bên cũng cam kết sẽ thực hiện các biện pháp khác như tăng cường hoạt động trao đổi thông tin về kinh tế, chính sách phát triển của mỗi nước; tăng cường tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Liên Chính phủ hai nước; thiết lập quan hệ trực tiếp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp của hai nước; tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư; tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm ở mỗi nước. Hai Thủ tướng nhất trí chú trọng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá, nhân văn, giáo dục đào tạo, du lịch và lao động. Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện, bao gồm 4 Hiệp định Liên Chính phủ về hợp tác trong các lĩnh vực khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về giáo dục – đào tạo, Hiệp định về công dân Việt Nam và công dân Kazakhstan làm việc tại hai nước, Hiệp định về đi lại giữa công dân hai nước; Thoả thuận hợp tác Chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Quốc gia dầu khí “KazMunaiGaz” của Kazakhstan, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Kazakhstan và Thoả thuận hợp tác giữa hai phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Kazakhstan. Cũng trong sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng Việt Nam tại Kazakhstan. Sau khi ân cần thăm hỏi đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của kiều bào, Thủ tướng mong muốn mỗi công dân Việt Nam đang sinh sống tại Kazakhstan nhanh chóng hòa nhập, chấp hành tốt pháp luật sở tại và trở thành nhịp cầu nối thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, năng lượng, khoáng sản, dầu khí, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ./. A. Hoàng (Theo website ĐCSVN)