Trong một tương lai không xa, những nạn nhân chất độc da cam có thêm một địa chỉ đỏ xoa dịu bớt nỗi đau da cam mà cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ gây ra từ hơn 50 năm trước. Đó là Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, được xây dựng tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, vừa được khởi công xây dựng ngày 10-12-2014.
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Và thật đau lòng, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Hàng nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Xuất phát từ tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-4-2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, trực thuộc T.Ư Hội. Đây là một công trình có ý nghĩa xã hội-nhân đạo sâu sắc, thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam. Nói như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự VAVA, đây là trung tâm chăm sóc, bảo trợ và phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam lớn nhất cả nước, sau khi Dự án đi vào hoạt động, Hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để công việc chăm sóc nạn nhân đạt hiệu quả cũng như truyền đạt kinh nghiệm cho các trung tâm nhỏ hơn làm tốt công việc của mình.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cho biết: Trong 10 năm, từ năm 1961-1971, của Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa đi-ô-xin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu héc-ta rừng và đất nông nghiệp. Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam nhằm tri ân những người đã cống hiến vì Tổ quốc, giảm bớt nỗi đau cho các thế hệ nạn nhân và gia đình nạn nhân. Tại lễ khởi công, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Hồ Sĩ Hải, cho biết: Đối tượng tiếp nhận là các nạn nhân chất độc da cam không có khả năng tự phục vụ cho bản thân, người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và đào tạo nghề cho các đối tượng xã hội khác.
Dự án xây dựng Trung tâm có nguồn kinh phí hoàn toàn xã hội hóa. Bộ Quốc phòng đã có quyết định cho phép Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam được đầu tư xây dựng dự án trên diện tích 16,7ha đất quốc phòng do Cục Hậu cần-Bộ Tổng tham mưu quản lý. Dự án có tổng mức đầu tư là 351 tỷ đồng và được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2015) đầu tư xây dựng các công trình cần thiết nhất để đưa Trung tâm Bảo trợ xã hội vào hoạt động, gồm đường giao thông, công trình điện nước, nhà nuôi dưỡng nạn nhân, cơ sở xông hơi tẩy độc. Giai đoạn 2 (2016-2018) xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của Trung tâm và toàn bộ các công trình của Trường cao đẳng nghề. Và chỉ trong lễ khởi công, số tiền ủng hộ của các nhà tài trợ đã lên tới 34 tỷ đồng.
Để công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này được hoàn thành tốt nhất, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ kinh phí để hoàn thành. Dự án, đảm bảo chất lượng và mỹ quan, sớm đưa công trình vào sử dụng, thiết thực góp phần giảm bớt nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ.
Bài và ảnh:
Quang Vinh