Mùng 8 tết Ất Mão (19-2-1975), Trường đại học Quân y cử đoàn chúng tôi đi nghiên cứu khảo sát môi trường lao động tại một nhà máy quân giới. Xe đi qua thủ đô và một số thị trấn vẫn còn đầy ắp dư âm của Tết dân tộc với cờ, hoa, xác pháo hồng rải rác trước một số cửa hiệu khai trương đầu xuân…
Xe chở chúng tôi rẽ vào một khu rừng già. Qua trạm gác, khung cảnh nơi đây sao mà khô khan, nghiêm cẩn, không một chút biểu hiện gì về Tết. Đến một quãng, đập vào mắt chúng tôi là một ống khói xây vuông khá to mỗi chiều gần 2m nhưng lại nằm ngả dài trên mặt đất. Hỏi ra mới biết đó là ống khói chính của nhà máy làm theo kiểu bếp chống khói của Hoàng Cầm. Khói bị ẩm sẽ từ từ bò ra rồi lan tỏa, phát tán kín đáo sát mặt đất, chui luồn dưới tán lá rừng già rậm rạp, hoàn toàn che được sự soi mói của máy bay địch.
Qua những dãy nhà sản xuất đều thấy có các băng vải đỏ ghi khẩu hiệu rất to: “Thần tốc, thần tốc”. Không khí lao động rất khẩn trương, hối hả nhưng không ồn ào. Mọi người đều kiệm lời, yên lặng, nghiêm túc. Ban Giám đốc nhà máy cho đoàn chúng tôi biết: Suốt mấy tháng nay, toàn nhà máy phát động thi đua “thần tốc”, chia 3 ca, ngày đêm hăng say lao động quên mình. Mọi người đều tình nguyện không nghỉ Tết, quyết tâm hoàn thành gấp rút sản xuất một lượng rất lớn ngòi nổ để lắp vào đầu đạn pháo lớn.
Sau này, qua tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”, (NXB Chính trị quốc gia, in năm 2000), tôi mới được biết: “Từ sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), Liên Xô, Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ vũ khí nặng: xe tăng, pháo lớn và đạn pháo”.
Lúc đó đạn pháo lớn của ta còn khá nhiều, nhưng lại rất thiếu ngòi nổ để lắp vào đầu đạn pháo. Nhà máy Z121 được giao nhiệm vụ sản xuất gấp rút để đáp ứng cho được nhu cầu có tính chiến lược này. Đây là công nghệ rất tinh xảo, chuẩn xác cao mà ta chưa từng sản xuất.
Phải cưa, bổ, mổ, xẻ một ngòi nổ để lập ra quy trình sản xuất tốt nhất và an toàn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Cũng trong cuốn hồi ký của Đại tướng còn viết “Trong chiến tranh lúc này, muốn đánh lớn phải có pháo lớn và tất nhiên kèm theo phải có đủ cơ số đạn cần thiết”.
Nơi sản xuất được quan tâm nhất là nơi lắp hoàn thiện ngòi nổ. Đó là khâu cuối cùng trước khi nhập thành phẩm vào kho. Hồi đó, để chống ẩm, chúng ta không có các thiết bị hiện đại, nên đã phải dùng biện pháp thô sơ, cổ điển. Đó là lắp đặt một hệ thống ống dẫn nước nóng để nâng nhiệt độ không khí trong phòng sản xuất lên 40 độ, nóng khô như gió Lào, thần kinh lại luôn căng thẳng, tập trung cao độ vì việc lắp kíp nổ không được phạm một sơ sẩy nhỏ nào.
Công nhân nhà máy toàn là nữ, vì đây là công việc cần tỉ mỉ, khéo tay, kiên nhẫn, chu đáo. Mỗi người ngồi riêng một bàn nhỏ bố trí cách nhau khoảng 2m. Sát mỗi đầu bàn đều có một hố rộng bằng chiếc mũ cối, sâu 1m để đề phòng khi có trục trặc gì nguy hiểm thì ném luôn kíp nổ xuống hố.
Chúng tôi còn được dặn dò rất kỹ là nếu gặp ai cầm lá cờ nhỏ màu đỏ thì phải lập tức tránh ngay sang một bên để nhường đường. Đó là người đang vận chuyển khay gỗ chứa đầy các ngòi nổ sản phẩm đem nộp cất vào một kho đặc biệt có đắp đất bao quanh để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra cháy nổ.
Khẩu hiệu “Thần tốc. Thần tốc” gợi nhớ đến khí thế Quang Trung, Tây Sơn, mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) đã gây được ấn tượng hào hùng trong lòng mọi người, thôi thúc lập công…: Ngày 7-3-1975, bắt đầu chiến dịch Tây Nguyên; ngày 10-3-1975, ta đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột; ngày 7-4-1975, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…”.
Nhớ lại khẩu hiệu “Thần tốc” ở Z121 trong rừng sâu ở hậu phương, đúng là: “Hậu phương thi đua với tiền phương”. Đặc biệt: Ngày 17-4-1975 được ta trợ giúp đạn pháo lớn, quân và dân Cam-pu-chia đã giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Ngày lịch sử trọng đại 30-4-1975, ta giải phóng Sài Gòn, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong các hội nghị tổng kết và mừng công, các đơn vị đều hết lời ca ngợi pháo binh ta đã chi viện đắc lực cho bộ binh, đặc biệt là rất “hào phóng” - luôn thoả mãn yêu cầu của bộ binh, không bắn dè sẻn như các chiến dịch trước. Pháo ta đã bắn rất hiệu quả, diệt nhiều căn cứ địch, bắn mãnh liệt, có nơi lính ngụy phát điên chạy ra khỏi công sự. Đúng như lời tướng Đinh Đức Thiện nói với pháo binh: “Có đủ đạn cho pháo binh, hãy bắn cho địch phải khiếp sợ đến ba đời…”.
Pháo ta đã khống chế hải cảng, sân bay, chặn đường rút của địch, còn bắn rải ra sát mép nước không cho tàu thủy của địch vào đưa bọn tàn quân rút chạy. Pháo ta đã góp phần xứng đáng làm cho quân địch suy sụp tinh thần rơi vào tình trạng hỗn loạn tan rã.
Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Không ai phủ nhận vai trò của pháo binh trong thời điểm quyết định, vấn đề là khi nào sử dụng, làm sao pháo binh cơ động được vào chiến trường và nhất là có đủ cơ số đạn cần thiết.
Đã 40 năm trôi qua, những chiến công nơi tiền tuyến đều có những đóng góp của hậu phương, trong đó có Ngành Quân giới. Có những chiến công báo chí đưa tin từng chi tiết nhỏ. Có những chiến công thầm lặng phải một thời gian sau mới được đưa tin. Z121 là một trong những đơn vị có những chiến công lớn lao nhưng thầm lặng đó. Những chiến công của những người thợ quân giới rất tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đón kịp thời cơ, cung cấp cho tiền tuyến một số lượng rất lớn ngòi nổ cho đạn pháo lớn, vinh dự góp phần vào chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong mùa Xuân 1975 lịch sử. Nhà máy Z121 đã hai lần được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bùi Huy Hùng