Chính phủ của phần lớn các quốc gia trên thế giới đều có những chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ấy nhưng, xem ra việc lợi dụng các chính sách này để trục lợi lại diễn ra tràn lan chẳng khác gì việc virus lan ra toàn cầu. Mỹ được cho là quốc gia có các cơ chế tài chính minh bạch, nhưng cũng khó chống được gian lận.

Ngày 10-3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã bổ nhiệm ông Kevin Chambers - trợ lý Thứ trưởng Bộ Tư pháp, làm người phụ trách chính cuộc điều tra những sai phạm trong sử dụng nguồn quỹ cứu trợ người dân và các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi tố hình sự đối với gần 1.000 người bị cáo buộc gây thất thoát 1,1 tỷ USD cùng 1.800 cá nhân và doanh nghiệp trong 240 vụ án dân sự với cáo buộc gian lận để được vay cứu trợ lên đến 6 tỷ USD. Các cơ quan chức năng cũng thu hồi hơn 1 tỷ USD trong khoản vay cứu trợ bất hợp pháp.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden hoan nghênh quyết định này, đồng thời cam kết chính quyền sẽ xử lý mạnh tay những đối tượng cố tình sai phạm để trục lợi. Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ, nhóm điều tra của ông Chambers sẽ tập trung vào các doanh nghiệp lớn có dấu hiệu vi phạm cũng như các đối tượng nước ngoài, thành lập các đơn vị để ứng phó với trường hợp xảy ra nhiều vụ gian lận khác trong tương lai.

Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cũng là nước có nền kinh tế mạnh, nên Quốc hội Mỹ quyết định chi khẩn cấp hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vậy nhưng, chính sách hỗ trợ xem ra đã bị lợi dụng nên từ tháng 5-2021, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - Merrick Garland thành lập Đội Đặc nhiệm điều tra gian lận.

Tham lam đã là tính xấu; tham lam, vơ vét trong đại dịch càng đáng bị xử mạnh tay hơn.

Nam Long