Với tất cả những sự kiện xảy ra chỉ trong vòng nửa năm qua, thách thức hành động liên quan đến U-crai-na, chiến sự thảm khốc tại Trung Đông và một Áp-ga-ni-xtan đầy hiểm họa khiến hội nghị của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa được tổ chức tại Xứ Wales trở thành một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử 65 năm, sau sự sụp đổ của bức tường Béc-lin. Điều đó là tất yếu, bởi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn, Thủ tướng Đức An-giê-na Mác-ken và các đồng sự sẽ giải quyết nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong những thách thức nêu trên khi động thái trên bàn cờ U-crai-na đã diễn ra trong việc thiết lập những ranh giới phân chia mới tại U-crai-na, cũng như châu Âu.
Cho dù các nước NATO đều lên tiếng phản đối động thái của Nga với U-crai-na và gia tăng ảnh hưởng bằng cách cung cấp vũ khí tinh vi và hỗ trợ thông tin tình báo để giúp Ki-ép giành lại quyền kiểm soát miền đông của đất nước. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh tế bền vững cho nền kinh tế yếu ớt và đang suy giảm của U-crai-na cần thiết cũng như các đòn trừng phạt mạnh nhất tính đến nay, nhằm vào lĩnh vực tài chính trọng yếu của Nga.
Tuy nhiên, do những lợi ích khác nhau nên các nước cũng có những quan điểm khác nhau trong kế hoạch hành động chung đối phó với Nga. Đông Âu cảm thấy bị đe dọa trực tiếp hơn nên tuyên bố hành động trong kế hoạch đối phó với Nga, trong khi nhiều nước khác trong NATO như I-ta-li-a lại mong muốn “dịu giọng” với Nga.
Rõ ràng, từ khi Nga sáp nhập Crưm, phương Tây đã chậm chân so với Mát-xcơ-va. Hơn nữa, nếu không muốn đánh giá những lời hứa của NATO chỉ là hứa suông, đặc biệt là tại Đông Âu, nơi các đồng minh mới nhất của khối này là E-xtô-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va và Ba Lan, rất yếu ớt.
Có thể thấy, bên cạnh tăng cường vai trò của khối nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng
U-crai-na, các nước thành viên NATO cũng phải “đau đầu” giải quyết những di sản để lại khi họ rút khỏi các chiến trường như
I-rắc hay Áp-ga-ni-xtan. Các nhà lãnh đạo NATO sẽ phải xem xét các kế hoạch ủng hộ chính phủ Áp-ga-ni-xtan sau khi quân đội nước ngoài rút hầu hết quân ra khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2014, đảm bảo các bước tiến đã đạt được và có những biện pháp ngăn chặn Áp-ga-ni-xtan lại một lần nữa trở thành thiên đường an toàn cho chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù vậy, kế hoạch rút lực lượng chiến đấu vào cuối năm 2014 đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với nước thành viên NATO khi bài học về cuộc chiến I-rắc đang ngày càng rõ ràng hơn, với mối đe dọa nổi lên từ nhóm phiến quân nhà nước Hồi giáo (IS) tại I-rắc.
Giới quan sát cho rằng, để đối phó với một Trung Đông đang bùng nổ là thách thức với NATO. Châu Âu có thể tình nguyện yểm trợ trên không để giúp Mỹ ngăn chặn một IS điên cuồng ở I-rắc và Xy-ri. Đức, Anh và Pháp giúp Mỹ thuyết phục các chính quyền Ả-rập dòng Xăn-ni, cô lập chính trị IS và cắt nguồn tài trợ từ giới giàu có từ Ả-rập. Nhiệm vụ quân sự ở Áp-ga-ni-xtan là thách thức đối với NATO dự kiến rút toàn bộ lực lượng chiến đấu vào năm 2016. Nhưng liệu điều đó có khả thi khi Ta-li-ban chắc chắn sẽ mở một cuộc tấn công lớn chống lại một Chính phủ Áp-ga-ni-xtan yếu ớt?
Với những bài học rõ ràng từ một nước I-rắc chia cắt, liệu có ý nghĩa không nếu NATO rút đi khi điều đó có thể đe dọa sự thống nhất Áp-ga-ni-xtan mà NATO đã phải rất khó nhọc gây dựng kể từ sau sự kiện ngày 11-9? Và bây giờ là một thời điểm như vậy. Các nhà lãnh đạo NATO phải nhất trí gia tăng chi tiêu cho các hoạt động quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh ở châu Âu đang có nhiều biến động, gồm cả cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn biến nghiêm trọng tại U-crai-na.
Có thể nói, trên nhiều mặt, đây là phép thử năng lực thế hệ lãnh đạo hiện tại của NATO, bởi chỉ có sức mạnh nhất khi các nước thành viên đoàn kết trong một mục đích chung. Vai trò lãnh đạo bấy lâu nay của khối sẽ được thể hiện không chỉ bằng các cuộc đối thoại giữa các nước như Mỹ, Đức, Anh mà còn phải là tiếng nói chung từ tất cả các quốc gia thành viên để tạo ra một sự đồng thuận có ý nghĩa trước thách thức sống còn.
Thanh Lâm