Trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho sinh đi học trở lại.

Nếu không có gì đặc biệt, thì ngày 2-3, học sinh trong cả nước sẽ đến trường học tập tiếp sau gần 1 tháng tạm nghỉ học, phòng dịch Covid-19 (dưới đây gọi tắt là Dịch).

Đây thực sự là thách thức mới để giữ được Dịch không tràn vào nước ta - mặc dù Việt Nam đang là nước được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là nước phòng chống Dịch hiệu quả nhất.

Bởi lẽ, hàng triệu học sinh đến trường trên khắp cả nước, trong đó số em dưới một tuổi chiếm một tỷ lệ không nhỏ; trong điều kiện  trường, lớp, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa điều kiện cơ sở vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn. Dịch lại còn đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả “tâm dịch” Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như các nước khác, như Hàn Quốc, Nhật Bản đều cách Việt Nam không xa.

Để Dịch không xâm nhập từ trường học, có thể nói cơ bản phụ thuộc vào phụ huynh học sinh và Nhà trường, mà trực tiếp là các thầy, cô giáo phải nỗ lực thực hiện đúng theo yêu cầu của Chính phủ: Bảo đảm: “Đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn bằng hay thậm chí hơn trụ sở cơ quan nhà nước…”.

Kinh nghiệm phòng Dịch thành công và chưa thành công ở nước ta cũng như  các nước trên thế giới, cho thấy chỉ cần một lơi lỏng nhỏ trong kiểm soát dịch, nhất ở những nơi đông người như lễ hội, trường học… là đều có thể dẫn tới lây lan Dịch theo số đông. Lúc đó sẽ rất khó kiểm soát.

Nếu nói an toàn sức khỏe cho học sinh là trên hết, thì trên hết của trên hết hiện nay ở các trường học, gia đình và cả hệ thống chính trị nước ta cũng là nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm trường học thực sự an toàn trong phòng, chống Dịch.

Đây vừa là thách thức, những đồng thời cũng là thời cơ để khẳng định “Việt Nam là điểm đến an toàn trong dịch Covid-19 toàn cầu”.

Nhật Huy