Người sống trở về, người chết cũng trở về. Ở một số bản làng, thường vào chiều Ba mươi, người ta còn dựng trước cửa nhà một cành Phan, làm bằng cả một cây tre cao vút; trên đỉnh ngọn, cắm phất phơ mấy dảnh lá xanh, vài tua vải đỏ. Đó là tín hiệu để linh hồn những người đã khuất, biết đường trở về với con cháu.
Ấy vậy mà, có những người vẫn còn đang sống, ngày Tết lại không về được quê, không có được cái không khí đoàn tụ của gia đình. Đó chính là những người xa xứ, những người lính biên phòng và hải đảo không về được quê thì mang Tết quê theo. Tôi không thể quên được Tết năm ấy, chúng tôi theo nhóm làm phim của Đài truyền hình Việt Nam lên đón Tết với lính Biên phòng Tây Bắc.
Đoàn khá đông vui. Chỉ có tôi là kẻ ngoại đạo. Còn lại đều là những người danh tiếng. Nghệ sĩ ưu tú Vân Quyền, nghệ sĩ Thu Hằng ở Nhà hát chèo Việt Nam. Ca sĩ Minh Huệ, ca sĩ Vân Dung ở Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội. Bộ Tư lệnh Biên phòng còn cử một nhóm văn nghệ sĩ ưu tú nhất của mình cùng phối hợp tham gia, do nhạc sĩ Phương Minh Quang phụ trách.
Mưa lạnh. Chúng tôi vượt đèo dốc trong mưa. Lên đến cao nguyên Mộc Châu thì trời đất hoàn toàn mù mịt. Mưa vẫn rơi lóp đóp trong sương mù. Đèo Pha Đin chìm ngập trong mây trắng. Mây ập cả vào xe. Nhìn nhau không rõ nữa. Những gương mặt tái ngắt vì rét, vì say xe hoá mờ ảo, linh thiêng, cứ như những ông Tiên, bà Phật cả.

  • Hay quá! Thế là năm nay, chúng tôi được đón đến hai cái Tết. Một cái Tết của Trời. Một cái Tết của Người. Chỉ riêng sự có mặt của các anh, các chị cũng đã thành một cái Tết rồi!
    Đại tá Cao Thế Khiển - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã nói như vậy khi anh cùng anh em trong Ban chỉ huy ra đón chúng tôi. Trông anh rất trẻ. Chỉ như người ở độ tuổi đôi mươi. Vậy mà anh đã có gần 40 năm làm lính. “Tiếng là lính. Nhưng tôi lại là lính Tây. Toàn ở Tây cả. Trước đây là Tây Nguyên. Còn bây giờ là Tây Bắc”. Cao Thế Khiển nói vui. Anh là người rất hóm. Ở Lai Châu có đến 21 đồn Biên phòng. Chỉ có 10 đồn có đường giao thông. Còn 11 đồn xa xôi, hẻo lánh, đến cả ngựa cũng không leo được. Anh đã vượt hàng nghìn cây số đèo dốc hiểm trở như thế bằng đôi chân đi bộ.
    “Anh em ở đây đều thế cả. Phải bám cơ sở, bám dân. Dân ở đây còn khổ lắm. Nhiều nhà còn đứt bữa, phải đào củ nâu mà ăn. Tết có khi vẫn phải ăn củ nâu” - Anh phân trần. Thật khó mà có thể tưởng tượng được. Có nơi, dân dường như không biết đến y tế. Gần đây, Bộ đội Biên phòng mới giúp dân giải quyết xong được việc tiêm chủng. Mà cũng thật vất vả, vì thuốc phải được giữ trong nhiệt độ lạnh. Nếu không ở trong môi trường lạnh, chỉ sau bốn ngày là thuốc mất tác dụng. Đường giao thông không có. Phải vượt qua những triền đá tai mèo, những lối mòn lượn bên miệng vực. Xuống được làng bản thì đã mất nửa tháng trời leo dốc. Để có thuốc cho bà con, lính biên phòng phải khiêng theo một cái tủ lạnh, rồi gùi theo luôn cả máy phát điện. Thỉnh thoảng lại phải dừng, để chạy máy lạnh, lấy đá ướp thuốc.
    Không phải không có những kẻ xấu đã lợi dụng những thiếu thốn của đồng bào để tuyên truyền nhảm nhí. Và cũng không ít người dân nhẹ dạ đã tin theo, ngày đêm ngồi cầu nguyện chờ “Chúa” thả thực phẩm xuống từ trên trời (!).
    Họ bị mê hoặc còn bởi những lời tuyên truyền ra rả qua đài, qua băng cassete, bằng tất cả các thứ tiếng dân tộc và không biết qua những con đường nào mà tới được từng giường ngủ của dân bản...
    Cao Thế Khiển và những người cộng sự của anh có sáng kiến “giành lại dân” bằng văn hóa văn nghệ. Anh thành lập ngay một tiểu đội lính tuyên văn xung kích gồm sáu người. Trong đó chỉ có một chàng trai, còn lại là năm cô gái. Họ có nhiệm vụ đi đến các đồn Biên phòng và xuống dân bản, hát cho bà con nghe, rồi khuyên nhủ bà con đừng có nghe lời xúi giục của bọn người xấu.
    Khi anh em chúng tôi tới Lai Châu, những chiến sĩ văn nghệ đặc biệt này đã nhập với chúng tôi rồi cùng xuống cơ sở làm một cuộc giao lưu văn nghệ đón Tết.
    Điều khiến tôi kinh ngạc là anh chị em hát hay đến lạ lùng. Giọng đẹp. Lấy hơi và nhả chữ rất điêu luyện. Hầu như không có khoảng cách giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư. Chỉ cần lấy mấy ống tre, ống nứa gõ vào nhau là thành một dàn nhạc rất sinh động và họ có thể hát được suốt đêm.
  • Chúng em vẫn hát như thế đấy. Nhiều khi hát vo, không có loa. Vì loa bị suối lũ cuốn, hỏng. Không sửa được. Muốn sửa lại phải vượt mấy trăm cây số về T.P Điện Biên mới có thợ sửa. Thôi thì hát chay. Hát mãi rồi cũng quen!
    Chiến sĩ tuyên văn Tòng Thị Nguyệt cười ngỏn nghẻn. Tôi hỏi:
  • Các bạn đi biểu diễn nhiều không?
  • Chúng em đi suốt. Nhiều khi đi quanh năm. Đi hết các đồn đã đến hơn 500km đường rừng. Rồi còn xuống bản. Rồi lại quay trở về...
  • Đi bộ hay đi xe?
  • Đi bộ chứ. Làm gì có đường mà đi xe. Nhiều khi cứ cắt rừng mà đi. Bám theo các vách đá mà đi. Chỉ sảy chân là có thể nhao xuống vực. Nhiều đồn, để đến được, phải vượt bảy ngày đường...
  • Thế thì đêm ngủ ở đâu?
  • Ở dọc đường chứ. Ngày đi, đêm vào dân ngủ. Cái khó nhất đối với chúng em là phải tính làm sao, căn ke làm sao để đêm xuống là tới được làng bản. Rồi chúng em biểu diễn luôn. Hát cho dân nghe. Dân nuôi chúng em đấy. Họ đói. Nhưng họ vẫn nuôi được chúng em. Bà con ăn sắn thì chúng em ăn sắn. Bà con ăn củ nâu thì chúng em ăn củ nâu. Dân bản thương chúng em lắm. Chúng em đi, họ khóc đấy. Có người còn theo tiễn chúng em cả một ngày đường.
    Nói rồi, Tòng Thị Nguyệt lại cười rất hồn nhiên. Mấy cô gái cũng cười. Còn chúng tôi thì ứa nước mắt. Cả sáu anh chị em đều còn rất trẻ. Trông ai cũng đẹp. Dáng thon thả. Da trắng mịn. Trắng như ngà. Chàng trai duy nhất là Đội trưởng Nguyễn Xuân Đại cũng có nước da thiếu nữ như thế.
  • Đi rừng nhiều vậy, các bạn có bao giờ gặp thú dữ không?
  • Hổ sói thì ít. Nhưng khỉ, vượn thì nhiều lắm. Chúng em gặp liên tục. Nhiều khi chúng kéo đến hàng đàn. Có con còn rung cành, ném cả quả rừng vào đầu chúng em nữa. Chúng nó trêu đấy mà. Chả sợ. Thú rừng không đáng sợ như các anh tưởng tượng đâu. Chúng hiền lắm, tốt lắm, nhút nhát lắm. Hầu hết chúng sợ người. Gặp người là chúng tránh. Ngay cả thú dữ cũng chẳng dữ đâu, nếu mình không hại nó. Mình có hại chúng đâu mà chúng giết mình. Mình chỉ đi hát thôi mờ...
    Ừ, Đúng là các cô gái mảnh mai, xinh đẹp và tinh khiết như những bông hoa rừng này chỉ có đi hát. Hát cho bộ đội. Hát cho đồng bào nghe. Và rồi bằng lời ca tiếng hát của mình, họ đã cùng Bộ đội Biên phòng giành lại dân. Mất dân là mất hết.
  • Các bạn có nguyện vọng gì không? Nếu bây giờ, có một điều ước chẳng hạn, em sẽ ước gì? - Tôi hỏi Tòng Thị Nguyệt.
  • Ước gì ư? Chúng em chỉ mong Tết. Quanh năm ở đây có Tết, để các anh các chị lại đến. Rồi cùng chúng em cắt rừng xuống Leng Su Sìn, rồi xuống các bản làng xa hơn nữa. Trông thấy các anh chị ở T.Ư, chắc bà con thích lắm đấy. Bà con chỉ ngắm mà không bắt phải hát đâu. Em nói thật đấy. Bà con ở đây khổ lắm. Đã đói cơm, đói chữ, lại còn đói cả nhạc họa, thơ ca.
    Có lẽ vì thế mà đời sống tinh thần của những người lính Biên phòng ở đây rất phong phú. Hầu như anh lính nào cũng làm thơ. Đây là bài thơ xuân của binh nhất Nguyễn Thanh Minh, viết trên tờ báo tường của tiểu đội:
    Tết về, anh vẫn tuần tra
    Mây buông tím núi, suối sa trắng rừng
    Lá reo, chim hót tưng bừng
    Mùa xuân đến tận cửa rừng đón ta...
    Trần Đăng Khoa