Sở dĩ, tôi bảo họ cạnh tranh không lành mạnh, vì họ đã làm những việc rất dại dột. Khi bị mất thị phần, họ có công văn lên Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu Bộ dừng thí điểm Uber, Grab. Và khi Bộ từ chối, để tuỳ các địa phương lựa chọn phương án thích hợp thì họ dán khẩu hiệu, băng rôn vào xe taxi để phản đối Uber, Grab.
Lại một việc làm dại dột nữa! Vì làm thế, họ lại quảng cáo cho Uber và Grab rồi. Sở dĩ Uber, Grab họ phát triển rất mạnh, khách hàng đặc biệt yêu mến, tin cậy là nhờ thái độ phục vụ rất tốt. Họ lại tận dụng được công nghệ 4.0, nên kết nối với khách rất nhanh nhạy.
Khách không phải mất tiền gọi cho họ mà họ tự gọi cho khách. Khách lại biết được giá ngay khi mình vừa đặt chuyến đi qua điện thoại. Không có chuyện gian lận cho máy tính tiền quay số nhanh, cũng không đi lòng vòng để ăn tiền của khách. Cũng không có chuyện nhìn mặt khách mà “quát giá”.
Nếu cứ thấy khách có vẻ như một anh nhà quê mới ra tỉnh, hay một ông “Tây ba lô” nào đó lên xe là lập tức tiền đội lên như giá ở trên trời. Chả thế có một bà Tây chỉ đi một đoạn đường ngắn ở khu phố cổ mà Taxi ta trấn lột của bà hơn một triệu đồng. Bà đã đến cơ quan công an phản đối.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã phải đến gặp bà, rút tiền túi của mình ra hoàn lại bà rồi chân thành xin lỗi bà, để mong bà còn trở lại Việt Nam lần thứ hai, mặc dù ông không hề có lỗi.
Phải nói là rất khổ và nhục nữa. Với cách làm ăn mông muội, chụp giật của taxi ta như thế, sẽ không thể tồn tại được nếu mất thế độc quyền.
Ở Uber, Grab, ngoài mọi khoản ưu việt tuyệt vời, khách còn được khuyến mại. Anh lái xe bảo tôi: “Không phải chỉ có chú được khuyến mại, với giá rẻ hơn, thậm chí có chuyến như là được miễn phí mà cháu cũng được khuyến mại, nếu cháu phục vụ tốt. Cả hai chú cháu mình đều là khách hàng của họ. Họ là nhà kinh doanh, chứ không phải ông chủ taxi. Taxi của cháu. Họ có mất xu nào mua xe, bảo dưỡng xe hay trả bảo hiểm xe đâu. Tất cả mọi chi phí ấy là tiền của cháu. Thế thì họ kinh doanh cái gì? Kinh doanh công nghệ. Sự kết nối là của họ. Khi khách đặt xe với điểm đón, điểm đến, sóng Uber, Grab sẽ quét. Chiếc xe nào ở gần chú nhất thì chuông điện thoại sẽ đổ. Vì thế, chú không phải chờ đợi gì cả. Bật điện thoại lên, chú sẽ biết ngay tên cháu, xe cháu và hiện cháu đang đi đến đâu rồi. Còn mấy phút, mấy giây nữa cháu sẽ có mặt. Rất tiện lợi”.
Khi hỏi về thu nhập, chú lái xe rất thật thà: “Cháu lái cho mấy hãng taxi của ta rồi. Trước đây, cháu chỉ được từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Bây giờ cháu có thời gian đưa vợ đi làm, đưa con đi học. Bận hay chán thì nghỉ. Có thể nghỉ bất cứ lúc nào. Đi làm bất cứ lúc nào. Cứ bật máy lên là nhập cuộc luôn. Cháu nhàn hơn, nhưng thu nhập lại cao hơn nhiều; có tháng, nếu cố gắng, cháu có thể có được 30 đến 32 triệu đồng. Còn 20 đến 25 triệu đồng thì rất thoải mái”.
Sở dĩ các nước họ phát triển rất mạnh, vì họ có sự cạnh tranh lành mạnh, lại sòng phẳng và minh bạch. Chúng ta vẫn quen bao cấp, dù bây giờ không còn chế độ bao cấp nữa, nhưng vẫn còn độc quyền ở một số lĩnh vực. Nếu mất thế độc quyền thì lung lay ngay, nếu không nói là sẽ sụp đổ, không thể tồn tại được, vì cách quản lý của chúng ta rất kém, lối làm ăn lại chụp giật, mông muội.
Tạm gọi “Taxi ta” là hàng Việt Nam, “Uber, Grab” là hàng hóa ngoại. Tôi cũng như quý vị, và quý vị chắc cũng như tôi. Chúng ta chỉ muốn dùng hàng hoá tốt.
Còn hàng hoá ấy thuộc quốc gia nào thì chả có gì quan trọng. Hàng nội mà tốt, thì dù không quảng cáo, khuyến mại, họ vẫn cứ mua. Ví như bia Sài Gòn hay bia Hà Nội vậy. Đi đâu tôi cũng thấy cánh bợm nhậu của ta chọn hai loại bia này, mặc dù nó chẳng có khuyến mại bằng ô tô hay xe máy trao giải in sẵn trong nắp bia, hoặc cũng chẳng cần đến các em tiếp viên mặc váy ngắn cũn cỡn tiếp thị ở các nhà hàng. Vậy mà người ta vẫn chen nhau tìm đến đấy. Họ đã thắng trong cuộc cạnh tranh dù không hề cạnh tranh…
Nhân đây tôi phải nói thêm rằng đôi lúc chúng ta còn lợi dụng một cách sống sượng giữa “lòng yêu nước” và hàng hóa tiêu dùng, như câu khẩu hiệu “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước”.
Trần Đăng Khoa