Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 tổ chức mới đây đánh giá: Nghị định 67 đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Hội nghị cũng nhìn nhận những mặt hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định. Đặc biệt, việc đóng tàu vỏ thép ở nhiều địa phương ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu nguồn lực và yếu về trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Yên bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm để nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lương tâm của các cơ sở đóng tàu.
“Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đăng kiểm. Ngư dân không thể giám sát chất lượng tàu, họ chỉ mua về sử dụng. Khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm chính”-Phó Thủ tướng khẳng định. Ngoài ra, địa phương, công ty đóng tàu sai phạm cần triển khai ngay việc khắc phục các tàu cá vỏ sắt bị hư hỏng, không để người dân bỏ tiền ra rồi nhận về sản phẩm kém chất lượng.
Ông Trần Châu-Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị cho tỉnh tham gia quá trình đóng tàu mới từ đầu đến lúc tàu đi vào vận hành khai thác. “Nếu không làm như thế thì tình trạng tàu cá đóng mới kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra”, ông nói.
Các ngư dân cũng đề nghị ngân hàng xem xét giãn thời gian trả nợ, 3 tháng hoặc 6 tháng thay vì 1 tháng trả 1 lần.
Đức Bình