Ông Hoàng Thọ Xuân cho rằng những giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp được nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ là những giải pháp mang tính chất điểm mấu chốt, tạo trung vào lõi của vấn đề. Chúng ta xử lý được lõi của vấn đề sẽ mở ra con đường, tạo điều kiện căn bản cho kinh tế phát triển.

Ông Hoàng Thọ Xuân nói: Quan điểm kinh tế của tôi xuất phát từ góc độ tiêu dùng. Chúng ta sản xuất, chế tạo bất cứ thứ gì cũng là để phục vụ tiêu dùng. Nền kinh tế có ấm lên, có thịnh vượng hay không đều phụ thuộc vào sức tiêu dùng xã hội, người dân có khả năng tiêu dùng và có muốn tiêu dùng hay không. Điều này phụ thuộc vào người dân có tiền hay không và có tiền nhưng cũng phải có niềm tin vào tương lai nền kinh tế. Đây là yếu tố rất quan trọng, một vật chất và một tinh thần, có tiền và có niềm tin vào ngày mai của nền kinh tế, những điều rất căn bản để phục hồi nền kinh tế.

Tôi thấy giải pháp 1 và 2 của Nghị quyết 1 và Nghị quyết 2 đã tập trung vào giải quyết vấn đề này. Tức là phải tiếp tục phải sản xuất, không chờ giải phóng hết hàng tồn mới tiếp tục sản xuất mà ngay bây giờ phải phục hồi và thúc đẩy sản xuất.

Như vậy, có sản xuất mới, có thu nhập, có tiền cho người dân, mới tạo tiền đề sáng sủa cho nền kinh tế. Tiền của người dân không tự sinh ra mà bắt nguồn từ việc làm, từ sản xuất. Sản xuất phục hồi, thu nhập và niềm tin của người dân mới phục hồi. Tiêu dùng phục hồi thì mới giải quyết được mọi vấn đề.

Tạo chu trình sản xuất mới

Ông Hoàng Thọ Xuân nói: Cách đây hàng trăm năm, khi lâm vào khủng hoảng, chủ nghĩa tư bản đã phải đổ hàng xuống biển để có thể tiếp tục chu trình sản xuất mới, điều làm hồi sinh nền kinh tế. Tôi dùng khẩu hiệu mạnh là “cứu nguy cho sản xuất”.

Vậy tiếp tục sản xuất bằng cái gì? Quan trọng nhất là vốn. Đây là tâm tư, nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP đã cơ bản tập trung giải quyết cái khó này.

Cần làm thế nào có chính sách tín dụng cho từng nhóm doanh nghiệp, trước hết là cho những doanh nghiệp tạo ra của cải, vật chất, tập trung vốn cho những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nằm trong rổ CPI nhằm giảm chi phí đẩy của những mặt hàng này, quan trọng nhất là chi phí vốn. Còn các chi phí khác chúng ta cũng cần giúp doanh nghiệp cắt giảm.

Nên giúp doanh nghiệp giảm chi phí thay vì thắt chặt tín dụng

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, trong danh mục 500 mặt hàng trong rổ CPI, ta cần có chính sách cụ thể, không chung chung. Chúng ta có thể lập danh sách những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này. Chỉ cần nắm được những doanh nghiệp lớn là chúng ta đã có thể xử lý hiệu quả vấn đề CPI cao.

Tôi đánh giá, 2 Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập được vấn đề này. Nếu triển khai cụ thể, chi tiết nhóm giải pháp liên quan sẽ tạo hiệu quả rất rõ nét.

Như vậy cũng có nghĩa là, để phục hồi sản xuất, chúng ta phải nghiên cứu chi phí và tập trung chính sách giúp doanh nghiệp giảm chi phí để từ đó giảm CPI chứ không nên thắt chặt tín dụng, gây khó khăn cho sản xuất.

Kết quả có thể hiển thị trong quý II/2013

Ông Hoàng Thọ Xuân cho rằng, hết quý 2, tình hình sẽ tốt hơn – nền kinh tế ấm lên - nhưng phải trên cơ sở phải triển khai tốt các giải pháp của 2 Nghị quyết Chính phủ. Triển vọng nhất là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, trong khi lĩnh vực nông nghiệp sẽ lâu hơn một chút.

Muốn vậy, trong quý 1, chúng ta phải xử lý vấn đề khó khăn về đầu vào của sản xuất để bắt đầu chu trình sản xuất mới.

Đến hết quý 2, kết quả sẽ bắt đầu “hiển thị” trên “bề mặt' thị trường, xã hội. Sản xuất, kinh doanh sẽ phục hồi tương đối rõ rét.

Bắt đầu từ quý 3, tình hình sẽ đổi khác theo hướng tích cực và những tín hiệu có thể thấy rõ là thị trường hàng hóa tốt hơn dưới tác động của 2 Nghị quyết, người lao động sẽ có thu nhập mới và người dân thấy lạc quan và tích cực về tương lai kinh tế.

“Còn vấn đề hàng tồn kho chúng ta làm song song, làm càng nhiều càng tốt, chứ đừng quá đắm đuối vào vấn đề này”, ông Hoàng Thọ Xuân nêu ý kiến và nói: “Chủ trương điều hành của Chính phủ và Thủ tướng là rất quyết liệt nhưng tôi lo ngại đến các cấp ngành thực thi chính sách liệu có quyết liệt, có không bị sai lệch tinh thần Nghị quyết không, cụ thể hóa chính sách ra sao để sớm đi vào cuộc sống, đến được với doanh nghiệp. Tôi cho rằng Chính phủ cần giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện”.

Theo Chinhphu.vn

(TH)