Bưu điện Việt Nam tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH với sự tham gia của hơn 17.000 người tại các bưu cục/điểm chi trả.
Một trong những tâm điểm của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV lần này là các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó điểm nhấn rất được dư luận quan tâm chính là tăng tuổi nghỉ hưu.
Quốc hội đã có hai phiên thảo luận về dự án Luật Lao động (sửa đổi) tại tổ và tại hội trường. Tổng kết phiên thảo luận tại hội trường, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, hiếm có dự thảo luật nào nhận được nhiều ý kiến phát biểu và còn nhiều đại biểu chưa được phát biểu như phiên thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phiên thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại hội trường ghi nhận kỷ lục về số đại biểu đăng ký phát biểu với 76 đại biểu. Kết thúc phiên thảo luận, danh sách chờ đăng ký phát biểu vẫn còn 54 đại biểu. Trước đó, tại phiên thảo luận về nội dung này tại tổ, Bộ LĐTBXH thống kê được 170 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận.
Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình hai phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện tại được quy định cách đây rất lâu, đến nay các điều kiện về kinh tế - xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ trung bình, yêu cầu phát triển đất nước thay đổi rất nhiều nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người làm việc trong điều kiện bình thương là cần thiết. Đối với NLĐ, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội và sẽ tăng lương hưu đối với lao động. Song các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, việc tăng tuổi nghỉ hưu không được cào bằng và phải có lộ trình. Bởi thực tế môi trường lao động của mỗi người khác nhau, nhất là đối với nhóm đối tượng lao động trực tiếp thì phải tính toán để họ được nghỉ hưu sớm.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu, vẫn còn những ý kiến băn khoăn chưa thực sự đồng thuận. Cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan tới hàng chục triệu lao động, đại biểu Ma Thị Thuý - Đoàn Tuyên Quang đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ hơn về quy định trong dự thảo luật. Lý do, theo bà Thuý, hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn tinh giản biên chế quyết liệt, việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, cho người lao động đang rất khó khăn, tuổi thọ bình quân người Việt đang tăng nhưng bệnh tật ngày càng nhiều, đặc thù ngành nghề ở nước ta phần lớn là lao động cơ bắp nên không phù hợp với lao động khi tuổi đã cao. Đại biểu Ma Thị Thuý đề xuất xin ý kiến nhân dân về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu. ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ T.P Hồ Chí Minh, cho biết không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật đã trình, vì qua hội nghị lấy ý kiến góp ý của công nhân lao động, hầu hết công nhân trực tiếp sản xuất đều không đồng ý.
Về vấn đề tăng tuổi hưu, trong phần giải trình tiếp thu các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Thời điểm này việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như Nghị quyết 28 của T.Ư nêu rất rõ các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong quá trình xử lý điều chỉnh tuổi hưu cũng đã tính toán phân loại đối tượng theo các nhóm, trong đó có 3 nhóm chính, gồm: Nhóm trong điều kiện lao động bình thường; nhóm ngành nghề, lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 sẽ có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật và nhóm nghỉ hưu muộn hơn.
Mai Anh