Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại T.P Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm điều phối tình nguyện Phật giáo dặn dò các tình nguyện viên trước lúc lên đường.

Hình ảnh các tăng, ni tình nguyện lên đường vào “tâm dịch” chung sức cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch thể hiện hành động, nghĩa cử cao đẹp, tinh thần từ bi của Phật, tích cực đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước.

Là người đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận trên diễn đàn Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm và giải pháp phòng, chống Covid-19 diễn ra ngày 25-7, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) chia sẻ: Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch...

Đến nay, có hàng nghìn tình nguyện viên là tăng ni, phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại các bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa chuyển thành bệnh viện dã chiến. Nhiều máy thở, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế được Giáo hội Phật giáo trao tặng thông qua T.Ư MTTQ Việt Nam. Nhiều ngôi chùa chuyển hàng trăm tấn rau củ vào vùng tâm dịch giúp đỡ người dân. T.Ư Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành cùng tín đồ phật tử đã góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Ngày 19-7, Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội ban hành văn bản kêu gọi tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch.

Trung tuần tháng 8, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã tiễn 10 chư tăng lên đường tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Long An.

Thượng tọa Thích Thanh Hùng (chùa Cổ Lễ) - Trưởng đoàn chư tăng tỉnh Nam Định chia sẻ: Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” là những công dân Việt Nam và là tu sĩ Phật giáo, đoàn tình nguyện viên thấy mình phải có trách nhiệm và tấm lòng phục vụ người bệnh. Đoàn tình nguyện viên mong rằng, những đóng góp nhỏ bé của đoàn sẽ góp sức vào công tác phòng, chống dịch của tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung.

Ngày 18-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam T.P Hồ Chí Minh tổ chức lễ xuất quân đợt thứ 6 cho 23 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Phát biểu tại lễ xuất quân lần này, ông Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trân trọng ghi nhận, tri ân những đóng góp của các tình nguyện viên phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân F0, Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu trong 5 đợt xuất quân vừa qua. Đây là môi trường khắc nghiệt, các tình nguyện viên phải đối diện với những ca bệnh nặng. Ông Châu cảm ơn tinh thần tự nguyện của các tình nguyện viên tôn giáo đã tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, đã đóng góp thầm lặng, cao cả, xông pha vào tuyến đầu phòng, chống dịch cùng với đội ngũ y, bác sĩ góp phần chung điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, mong các tình nguyện viên giữ gìn sức khỏe, cố gắng thích nghi và thực hiện tốt, đúng tinh thần dâng hiến, tinh thần phục vụ chúng sanh.

Trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, tình nguyện viên Đoàn Nam Phong bày tỏ, không thể khoanh tay đứng nhìn trước những mất mát của bệnh nhân Covid-19, nên đã xung phong vào tuyến đầu nhằm giảm tải cho y bác sĩ, ngành y tế. Đồng thời, xin hứa tuân thủ theo sự phân công và đúng quy trình của cơ quan y tế nhằm đảm bảo sức khỏe của mình để phục vụ tốt cho bệnh nhân.

Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng, thì sự có mặt của các tăng ni, phật tử cùng các thầy thuốc của cả nước hết lòng cứu chữa cho người bệnh là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật.

Minh Anh