• Chính sách “tam nông” của trên rất đúng, sát thực tế, được đông đảo người dân ủng hộ và đã bước đầu đi vào cuộc sống. Vậy mà hiện nay ở nhiều nơi việc thực hiện vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Nhiều người lúc nào cũng nói đến phải quan tâm, chú trọng đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng thực ra họ chẳng quan tâm gì cả. Họ chỉ nói mà không làm – Một bác nói.
  • Chẳng đâu xa, ngay ở địa phương mình, tôi thấy có nhiều vị lúc nào cũng ra rả “tam nông” nhưng họ quán triệt chính sách thì nông. Trình độ cũng nông. Đến lúc làm thì… nông choèn choèn!
  • Ở chỗ tôi thì có nhiều vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa. Thực hiện rất chậm chạp, bao nhiêu lâu mới đạt khoảng 20% so với mục tiêu. Lý do là số còn lại phần lớn đất sản xuất là ruộng bậc thang. Mảnh sau cao hơn mảnh trước đến 1-2 mét. Về con người ở địa phương thì chủ yếu dựa vào kiêm nhiệm, lực lượng chuyên trách quá mỏng lại yếu về nghiệp vụ, thậm chí có nơi còn chẳng tìm ra người. Công tác đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa hết sức chậm chạp. Đã thế lại còn nan giải về thủy lợi, thiếu vốn, thiếu thông tin và lao động…
    Một bác tham gia:
  • Xả chất thải đã kinh sợ nhưng vẫn chưa kinh khủng bằng xả lũ thủy điện! Vừa qua ở miền Trung hàng loạt các thủy điện xả lũ gây ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại vô cùng nặng nề cho người dân vùng hạ lưu. Ruộng vườn trắng xóa nước. Hàng vạn nông dân trắng tay. Xưa có câu: “Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, thì nay bà con nói: “Thượng điện tích thủy, hạ điện than” và “Thượng điện xả lũ, hạ điền than”!
  • Than! Nhưng chỉ biết than thở chứ biết kêu ai bây giờ? “Hỏi trời, trời chẳng thấu, hỏi đất, đất không hay…”!
    ĐẶNG VIỆT THỦY