Hai ông bà xây dựng gia đình với nhau tháng 4-1947, nay đã hơn 60 năm. Lúc đó "chàng" là xã đội trưởng, "nàng" là cán bộ Đoàn thanh niên cứu quốc và Hội phụ nữ cứu quốc xã, là một nữ chiến sĩ du kích trẻ, khoẻ, xinh đẹp, gan dạ. Hai người vừa tròn 20 tuổi và đều vừa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đám cưới thời chiến thật đơn giản, chỉ có xôi nếp, bánh trôi, chuối và nước chè xanh nhưng rất đông vui. Hầu như cả xã, nhất là cánh thanh niên, đều đến dự. Mừng hạnh phúc đôi bạn trẻ, Huyện đội Thanh Hà có món quà đặc biệt gửi tặng: 5 quả lựu đạn và 5 quả mìn muỗi. Cuộc vui hôm ấy kéo dài tới khuya. Nhà chật, khách đông, cô dâu vừa mệt vừa buồn ngủ, chẳng biết nằm đâu, bèn tìm vào thùng trấu dưới bếp nhà ông chú chồng, kéo rơm lót chỗ rồi nằm ngủ một giấc ngon lành, khiến chú rể tìm đỏ mắt mới thấy.

Đầu năm 1948, xã đội trưởng Vát được điều động vào bộ đội huyện làm trung đội trưởng, rồi lên bộ đội tỉnh chỉ huy một trung đội đưa đón cán bộ đi hoạt động và vận chuyển vũ khí từ Thanh Hà lên chiến khu Việt Bắc. Cô du kích Can thì vừa hoạt động đoàn thể vừa cùng tiểu đội làm nhiệm vụ của xã đội giao, phối hợp với đơn vị của chồng đưa đón cán bộ và vận chuyển vũ khí. Tuy ở gần nhau (đơn vị anh Vát đóng quân ở ngay xã nhà 2 năm liền) và gặp nhau luôn, nhưng hai người chưa muốn có con vội mà dành thời gian cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng quê hương.

Cuối năm 1953, đại đội trưởng đại đội 77 tỉnh đội Hải Dương Phạm Văn Vát được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu. Vì anh là chiến sĩ thi đua điển hình nên quân khu mời cả gia đình đến dự. Do đường xa, đi lại khó khăn, bố mẹ anh không đi được mà "cử" con dâu là cô du kích cùng vợ anh thay mặt gia đình đến đại hội. Thật bất ngờ, trong dịp đại hội này, hai niềm vui cùng đến với đôi vợ chồng trẻ: Chị Can được Quân khu điều động vào bộ đội, sau được đi học một lớp y tá 6 tháng về làm hộ lý trạm quân y tỉnh đội Thái Bình; anh Vát thì được đề bạt làm Tỉnh đội phó Thái Bình.

Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Anh Vát về Hà Nội tập duyệt binh để chuẩn bị cho cuộc lễ chào mừng giải phóng Thủ đô. Tỉnh uỷ giao cho anh chiếc xe đạp Sterling làm phương tiện đi đường. Từ cơ quan tỉnh đội, đạp xe tới gần bến đò Tân Đệ chẳng may anh bị ngã xuống ruộng, quần áo bê bết bùn đất, người xe bẩn như trâu đằm. Anh phải quay trở lại nơi chị công tác (gần cầu Bo) thay đồ. Ở nhà dân đã chật chội, chủ nhà lại kiêng kị (vợ chồng người ngoài không được ngủ chung), hai người không biết làm thế nào để "tranh thủ". Họ bàn nhau, đến đêm bí mật kéo nhau vào nhà ngang của gia chủ. Kết quả là năm sau (1955), cô con gái đầu lòng ra đời.

Làm "cô bộ đội" được 5 năm, chị Can chuyển ngành về Bệnh viện Hải Dương. Tại đây, chị được đi học lớp trung cấp y 3 năm. Ra trường, chị lại về bệnh viện này công tác. Đến năm 1980, chị nghỉ hưu về nhà, được chị em phụ nữ phường bầu vào Ban chấp hành. Còn anh vẫn bôn ba trên con đường binh nghiệp, cuối cùng, theo bà ông cũng về Hải Dương, lúc đầu làm Tỉnh đội phó, rồi làm Đoàn trưởng đoàn 253. Khi đoàn này giải tán, ông về làm hiệu phó rồi hiệu trưởng trường Binh chủng quân khu. Năm 1988, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu. Cũng như bà, lưng chưa bén giường, ông đã lao vào công tác tại địa phương, làm bí thư chi bộ 4 năm liền. Đến năm 1998, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB phường. Năm 2002, ông xin nghỉ, nhưng Tỉnh uỷ, Đảng uỷ quân sự và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại giao cho ông cùng một số cán bộ hưu trí khác lập thành Ban biên tập bộ hồi kí "Hải Dương, đường 5, một thời kháng chiến" đến nay đã xuất bản được 6 tập.

Ông bà sinh hạ được bốn người con, hai gái, hai trai. Ba người đã trải qua một thời mặc áo lính. Tuy không còn trẻ, khoẻ như xưa, nhưng hai ông bà vẫn sớm tối bên nhau như hình với bóng, chăm sóc lẫn nhau, tình vẫn mặn mà, đằm thắm như thuở ban đầu.

LÊ HOÀI THAO