Dù đã tiếp xúc, đã biết khá nhiều những con người, những tấm lòng và việc làm nhân ái của bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước với những số phận thiệt thòi, song chúng tôi vẫn không khỏi xúc động khi biết tháng 6-2009, với sự tài trợ của tổ chức Ngô Mỹ Uyên for Those We Left Behind và Starkey Hearing Foundation (Mỹ), đại diện của tổ chức này do ông Bill Austin làm trưởng đoàn đã phối hợp với Hội Việt-Mỹ, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Làng Hữu Nghị Việt Nam và Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh tổ chức đo thính lực và tặng cho 2.200 trẻ em khiếm thính Việt Nam mỗi cháu một đôi tai nghe trợ thính giúp các em dễ dàng hơn trong cuộc sống. Những ngày cuối tháng 10 này, Đoàn đã đến Hà Nội trực tiếp tặng, lắp tai nghe cho 697 cháu ở 8 tỉnh, thành phố phía Bắc, đi TP Hồ Chí Minh giúp cho 1.400 trẻ em khiếm thính phía Nam. Vậy là 2.200 trẻ em khiếm thính của chúng ta đã có thể nghe những âm thanh đầu đời của cuộc sống, hoà nhập cuộc sống và nụ cười đã đến với những số phận thiệt thòi này.

Sau những ngày bị ảnh hưởng của bão số 9, khí hậu ở Hà Nội những ngày thu này thật đẹp - mát dịu và khô ráo. Làng Hữu Nghị Việt Nam đã trở thành nơi hội tụ của những tấm lòng nhân ái ở khu vực phía Bắc này. Có mặt tại đây trong các ngày chủ nhật và thứ hai, 25 và 26-10-2009, chúng tôi được chứng kiến không khí ngày hội ở nơi đây. Tuy không trống giong cờ mở nhưng hàng ngàn con người từ khắp các nơi đã về với Làng Hữu Nghị để nhận máy trợ thính và được các bác sĩ hướng dẫn sử dụng. Những đoàn ô tô và xe máy, những nụ cười và gương mặt rạng rỡ của các cháu thiếu nhi, của các bậc phụ huynh… Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã gửi lời cảm ơn đến những người bạn Mỹ và bà con Việt kiều tại Mỹ, bằng hành động thiết thực, với những tấm lòng sẻ chia và nhân ái đã hết lòng giúp đỡ trẻ em thiệt thòi Việt Nam vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Không biết các cháu ngồi xung quanh kia có nghe được không vì các cháu là người khiếm thính, song chúng tôi thấy các cháu vỗ tay rào rào và thích thú lắm. Hai tầng nhà của Trạm y tế được triển khai cho các phòng lắp máy, còn các lớp học phía dưới được các cô giáo của Làng bố trí đón các cháu khiếm thính và phụ huynh, cán bộ các đơn vị. Hàng chục tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội tham gia làm phiên dịch, cùng 12 bác sĩ từ Mỹ chia thành 3 phòng lắp máy và hướng dẫn cho các cháu khiếm thính theo từng đơn vị, mỗi cháu chừng 5 phút, lại có các bác sĩ, các nhân viên y tế của Làng trợ giúp, vậy mà các cháu vẫn đợi kín hành lang.

Chúng tôi được biết, trong đợt khám đo núm tai tháng 6 vừa qua, các cháu đã được khám thính lực rất kỹ, sau đó những thông số này đã được gửi về Mỹ cho nhà sản xuất chế tạo từng chiếc máy trợ thính cho từng cháu và mang về Việt Nam lắp, chỉnh cho các cháu hôm nay. Mỗi cặp máy trợ thính ấy có giá bên Mỹ đến cả ngàn đô-la, trông thật nhỏ gọn, xinh xắn. Để thực hiện chương trình nhân đạo này, những người bạn Mỹ và bà con Việt kiều đã tổ chức vận động, quyên góp được 4 triệu USD để thực hiện. Cùng đi với Đoàn sang Việt Nam thực hiện công việc nhân đạo này còn có 4 diễn viên điện ảnh và nhà quay phim thực hiện phóng sự về trẻ em khuyết tật Việt Nam rồi đem về phát sóng trên truyền hình Mỹ, tiếp tục kêu gọi sự tài trợ cho các trẻ em khuyết tật Việt Nam.

Trở lại với công việc lắp máy và hướng dẫn sử dụng cho các cháu khiếm thính tại Làng Hữu Nghị. Cháu nào vào lắp máy cũng có bố mẹ đi kèm để nghe các bác sĩ và người phiên dịch hướng dẫn sử dụng thật tận tình, chu đáo. Đến đây mới biết, phần lớn các cháu khiếm thính là do ảnh hưởng chất độc da cam, do bẩm sinh, do ốm đau biến chứng… Nhiều cháu vừa bị khiếm thính lại vừa bị ngọng hoặc không nói được. Chúng tôi đã gặp vợ chồng anh Phạm Văn Thanh, 51 tuổi, hội viên CCB ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội đưa con là cháu Phạm Thị Ngọc Ánh; chị Nguyễn Thị Xuân ở khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội đưa con là cháu Đặng Minh Đức đang học ở Trường trẻ em câm điếc Xã Đàn; chị Nguyễn Thị Lịch ở 132 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội đưa con là cháu Trương Phương Linh cùng nhiều phụ huynh và con của họ đến từ Bắc Giang, Nam Định… đến để được lắp máy. 18 cháu bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin đang điều trị tại Làng Hữu Nghị cũng được hỗ trợ lắp máy trợ thính đợt này. Vui nhất có lẽ là Giám đốc Làng Hữu Nghị Đặng Vũ Dũng và các cán bộ, giáo viên ở đây vì từ nay, nhiều cháu đã có thể nghe, có thể hiểu những gì được thầy cô, cán bộ dạy dỗ và tự chủ hơn trong cuộc sống… Khi lắp máy xong, các bác sĩ vỗ tay, hỏi thử xem cháu có nghe rõ không. Chẳng cần phiên dịch, chỉ nhìn thấy cháu ngẩng đầu lên cười với bác sĩ là chúng tôi hiểu cháu đã nghe rõ câu hỏi “ô-kê?”của người bác sĩ. Tiếng “ô-kê” này đã trở thành tiếng nghe đầu đời của các cháu - tiếng “ô-kê” của hoà bình, của lòng yêu thương và nhân ái. Lắp máy xong rồi, mỗi cháu còn được nhận một dây đeo kỷ niệm chương thật đẹp, để ghi dấu ấn trong đời các cháu về bước ngoặt được nghe, được hiểu cuộc sống này.

Trong hai ngày liên tục, 697 cháu khiếm thính ở 8 tỉnh miền Bắc đã về Làng để nhận sự giúp đỡ này. Điều trân trọng không kém, đó là tấm lòng của các cán bộ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, của các cán bộ, nhân viên Làng Hữu Nghị Việt Nam tham gia chương trình nhân đạo. Tuy là ngày nghỉ nhưng hầu như toàn bộ cán bộ, nhân viên của Làng Hữu Nghị đều tham gia làm việc nghiêm túc, tận tình trong tất cả mọi công việc. Các chuyên gia Đoàn nhân đạo Mỹ, các cán bộ; nhân viên Việt Nam làm việc liên tục, không nghỉ trưa để phục vụ các cháu, đoàn nào đến cũng được đón tiếp chu đáo, có chỗ nghỉ, có nước uống, mỗi người có một suất ăn và còn được trợ giúp tiền đi lại. Hai ngày liền làm việc cật lực, lúc cháu cuối cùng nhận xong máy thì trời đã tối. Tuy mệt, nhưng ai cũng vui - vui vì mang lại được nụ cười, mang lại âm thanh và mang lại niềm tin vào cuộc sống cho các cháu khiếm thính Việt Nam. Hà Nội mùa này đẹp lắm.

Ghi nhanh của Lê Doãn Chiêu