Trong quá trình chiến đấu, chứng kiến nhiều đồng bào, chiến sĩ bị thương, bị sốt rét nhưng không được cứu chữa kịp thời khiến nhiều đồng đội mang thương tật, ông xin cấp trên cho đi học lớp quân y với mong muốn trở thành bác sĩ phục vụ cách mạng. Tốt nghiệp khóa học tại Quân y tỉnh, ông về các đơn vị vừa chiến đấu, vừa cứu chữa được nhiều thương binh. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 1964, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Quân y huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Cuối tháng 12-1967, trong một đêm cơ động bí mật từ huyện Tân Trụ về xã Nhật Ninh để tập huấn cán bộ chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị địch bắt giữ và đầy đi nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Thời gian đầu, chúng giam ông tại phòng B2, sau đó chuyển xuống phòng P14, P15-nơi đây hầu hết là các chiến sĩ bị bệnh lao. Phòng giam bệnh lao, bọn địch thường không vào phòng kiểm tra, điểm danh mà chúng chỉ đứng ngoài hỏi. Biết quy luật đó, ông Quang và 21 chiến sĩ tổ chức tìm cách vượt ngục. Ông và các chiến sĩ đào một đường hầm bí mật. Trong điều kiện nhà tù không một tấc sắt, hằng ngày sau bữa ăn, ông đã khéo léo giấu những chiếc thìa đem mài sắc, uốn thành dụng cụ đào đất. Sau 6 tháng, các tù nhân đã đào được 1 đường hầm dài hơn 60m. Khoảng 19 giờ ngày 20-7-1968, nhân lúc trời chập choạng tối, các tù nhân bí mật lần lượt vượt ngục. Thế nhưng, do tù nhân sức khỏe yếu, khi vượt rào đã bị địch phát hiện. Chúng báo động bủa vây, bắn xối xả làm nhiều đồng đội bị thương và hi sinh. Hôm sau, chúng đã tra tấn dã man để tìm ra người chủ mưu vượt ngục. Ông Quang bị chúng bắt lột quần áo trườn trên dây thép gai rỉ nhưng ông không chấp hành. Chúng đã dùng dùi cui đánh mạnh vào hàm, làm ông gẫy 4 chiếc răng, sau đó bọn chúng chuyển ông Quang xuống “chuồng cọp”-nơi giam cầm dã man nhất trại Phú Quốc. Năm 1973, do thắng lợi của Hiệp định Pa-ri, ông Quang cùng các tù chính trị được trao trả tự do. Niềm vui chiến thắng trở về, ông thi vào Học viện Quân y năm 1978. Năm 1982, tốt nghiệp ra trường, ông nhận công tác tại Trung tâm Huyết học (Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần) phía Nam.
Năm 2005, khi được nghỉ hưu, mặc dù mang trên mình nhiều thương tật, ông vẫn tình nguyện tham gia Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ông tâm sự, khám chữa bệnh miễn phí chủ yếu cho CCB, đồng bào, gia đình chính sách nghèo và ông đã khám, chữa bệnh miễn phí cho trên 1.000 trường hợp. Quá trình đó, bác sĩ Quang còn kết hợp tìm hiểu hoàn cảnh các bệnh nhân để khi có điều kiện sẽ giúp đỡ. Một lần khi về huyện Tân Trụ khám chữa bệnh, gia đình liệt sĩ Nhức Ba ở trong căn nhà tạm, kinh tế còn khó khăn. Ông cùng đồng đội tổ chức vận động Công ty Du lịch Sài Gòn hỗ trợ 20 triệu đồng xây tặng gia đình nhà tình nghĩa. Cứ thế, những năm qua, ông Quang đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây dựng được 25 căn nhà tình thương, tình nghĩa, tặng đồng đội nghèo tại tỉnh Long An, Tây Ninh.
Bài và ảnh: Tuyết Trần