Một người là thầy của cách mạng có công lao dưỡng dục quân đội hơn cả đấng sinh thành; một người là Anh Cả của toàn quân từng gối đất nằm sương cùng chiến sĩ từ rừng núi Cao Bằng thổi hồn “chiến tranh nhân dân” cho một trung đội du kích lớn thành 5 quân đoàn binh chủng hợp thành thần tốc đánh đuổi giặc Mỹ ra khỏi bờ cõi. Bác Hồ đã đi xa, chỉ còn Anh Cả vẫn nặng lòng với toàn quân, với đời mà chân chưa nỡ dứt...

Khi trao súng cho thế hệ sau để rời quân ngũ, nhiều người lính cũ thoáng một nét buồn: Từ nay liệu có cách nào nối giữ sợi dây ân tình với người Anh Cả. Vừa may, ngày 6-12-1989, Hội CCB Việt Nam được quyết định thành lập. Rồi tháng 1-1991, Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội đã áp được một dấu son vào lịch sử CCB Việt Nam: thỉnh cầu và toại nguyện, mời được Anh Cả - Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự của Hội; vĩnh viễn tại vị qua năm tháng làm biểu tượng cao đẹp của người lính cách mạng Việt Nam. Chiều lòng đại biểu, Anh tự nguyện “đứng nghiêm” 57 phút (chứ không phải bị phạt) để chụp ảnh chung với 54 đoàn đại biểu các Tỉnh hội.

Trong quan hệ giữa T.Ư Hội với Anh, Báo CCB Việt Nam thường nhanh chân, nhanh tay hơn các cơ quan khác. Văn phòng của Anh có một ưu tiên, sẵn sàng chuyển yêu cầu của báo tới Anh bất cứ lúc nào, không cần hẹn trước. Anh Văn còn dặn Tổng biên tập Trần Minh Bắc rằng Báo CCB Việt Nam cần Anh giúp đỡ gì để phục vụ bạn đọc thì cứ yêu cầu.

Được Anh cho phép vậy, chúng tôi tranh thủ khai thác giới thiệu công lao Tổng tư lệnh trong các sự kiện lịch sử như chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày thành lập QĐND Việt Nam, các chiến thằng lớn của ta trong chống Pháp, chống Mỹ... để phục vụ bạn đọc. Qua những lần hỏi han mới được Anh cho biết tướng Pháp Lơ Cơ-léc gửi thư bảo con gái mang sang Việt Nam để thanh minh với Anh rằng ông ta không hề muốn nổ súng đánh Việt Nam tháng 12-1946 mà vì lúc đó trong chính phủ Pháp phe chủ chiến thắng thế. Lại càng thấy rõ Việt Nam ta rất muốn hòa bình, buộc phải cầm súng vì “cây muốn lặng, gió chẳng dừng”.

Báo CCB Việt Nam chúng tôi cũng tranh thủ “quấy quả” Anh đến điều. Tết nào cũng đề nghị Anh gửi thư thăm hỏi hội viên, gia đình thương binh, liệt sĩ để báo đăng tải. Những bài nói của Anh dặn hội viên “Cựu nhưng không được cũ”, “Phải luôn luôn học tập, tự đổi mới nhận thức cho kịp thời đại”. Một đề tài nữa được thực hiện là lấy chân dung Anh làm nền cho từ bìa lịch Báo CCB Việt Nam.

Từ ý tưởng cho đến khi trình bày và được Anh chấp thuận, còn phải suy xét xem để Anh chụp ảnh chung với đối tượng nào. Anh hùng quân đội, hay dân quân, hay CCB, đều quá quen thuộc. Có ý kiến đề xuất về một số “nụ” nhân tài, đó là các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế.

Các cháu được về chụp ảnh chung với bác Giáp, bác Đại tướng thì rất thích. Chiều lòng và rất tâm lý, với các cháu, Bác đều cho chụp riêng với từng cháu. Tờ lịch năm ấy thật đồng ý nghĩa “tre già măng mọc, tướng tài và tiểu nhân tài”.

Cá nhân tôi, trong những lần được Toà soạn cử sang gặp Anh để viết về các sự kiện lịch sử, có chuyện mà tôi nhớ đời và cũng là bài học trong đời cầm bút. Hồi đó, khoảng cuối tháng 2-1995, TBT cử tôi sang phỏng vấn Anh Văn để viết về 20 năm ngày Đại thắng Xuân năm 1975.

Khi Anh bước vào văn phòng, tôi đứng dậy:

  • Báo cáo Đại tướng, tôi ở Báo CCB Việt Nam sang xin phép Đại tướng được phỏng vấn...

Anh chỉ tay vào ghế bảo tôi ngồi xuống rồi cười:

  • Cậu có mặc quân phục đâu mà lúc nào cũng... đại tướng, đại tướng.

Bỗng anh hỏi:

  • Cậu bao nhiêu tuổi?

  • Dạ thưa Anh, em kém Anh 20 tuổi.

  • Cậu thiếu một bộ râu...

  • Thưa Anh, Anh không để râu, em cũng không dám để râu.

  • Vì thiếu bộ râu nên cậu muốn đạo mạo cũng không được.

Tôi nhanh trí ứng phó:

  • Thưa Anh thế là em hiểu. Em xin phép thôi không phỏng vấn Anh nữa mà xin “Hỏi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Xuân đại thắng 1975” được không ạ?

  • Được, hỏi chuyện mới có chuyện mà nói. Các cậu cứ thích phỏng vấn, thì nói được cái gì. Nào bây giờ cậu hỏi chuyện gì?

Thế là sau đó, gần hai ngày “hỏi chuyện”, tôi biết thêm nhiều tư liệu để viết về Đại tướng, hai vai trách nhiệm vừa là Bí thư Quân ủy T.Ư, vừa là Tổng tư lệnh trong vai trò chỉ đạo và chỉ huy cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Tâm lý thì bất cứ ai, kể cả nhà báo, được gặp Anh Văn đều muốn có tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với Đại tướng. Sau khi thày trò làm việc gần hai ngày, Anh cho phép chụp ảnh riêng hai thầy trò. Trên bậc thềm văn phòng, tôi sắp xếp:

  • Anh là cây tùng, Anh đứng bên cây tùng này. Còn em là lại chanh, loại quất, em xin đứng bên cây quất.

Lúc sắp bấm máy, Anh nói với Xuân Mai đang đưa máy ảnh đo khuôn hình:

  • Cậu thấy Cao Nham nó khôn không. Nó bảo mình đứng bên cây tùng, không có gì mà ăn, còn nó đứng bên chậu quất năm nào cũng có quả để chén...

Quả thật là trong cái tích tắc nhìn vào ống kính không được chớp mắt, nếu không tạo được không khí tự nhiên, cái “thần” của con người khó lộ diện. Anh Văn quá thành thạo cả ngón nghề người làm báo, chỉ một câu như vậy mà hai thầy trò có cớ cùng tươi sắc mặt.

Sau này mới chợt nhớ, chính Anh từng là một nhà báo trên tài, làm Chủ tịch báo giới Bắc Kỳ từ 1935-1936. Anh không chỉ là người thầy dạy cầm súng mà còn là người thầy dạy cầm bút.

Cao Nham