Anh Thông nhập ngũ tháng 12- 1972, xuất ngũ năm 1978 với quân hàm thượng sĩ, chức vụ phân đội trưởng thuộc đơn vị Đoàn 126 đặc công Hải quân, đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu trên các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Đông Nam bộ, Trường Sa…Anh đã cùng đơn vị lập được nhiều chiến công lớn như đánh sập cầu Thủy Tú, tiêu diệt được nhiều địch (mặt trận Đà Nẵng năm 1974), cùng đơn vị chặt cây dừa phủ bạt giả làm ống phóng ngư lôi và pháo lớn để trên tàu HQ 604 nghi binh địch, tiến ra giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14-4-1975 và trong trận này, anh là người trực tiếp bắt sống đảo trưởng ngụy Sài Gòn…Rất cảm động khi chúng tôi đến thăm gia đình anh ở phố Lâm Tân, thị trấn Quất Lâm thì được biết và chứng kiến chuyện nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Trường Sa, giải phóng đất nước, đầu năm 2005, mặc dù hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn nhưng anh vẫn quyết tâm dành tiền mua vật liệu và tự tay đắp mô hình chiếc tàu HQ 604 có kích thước gần bằng tàu thật tại phần trang trọng nhất trước sân nhà với biểu tượng con cá heo và bia chủ quyền nước CHXHCN Việt Nam trên đảo Song Tử Tây cùng bát hương thường xuyên đỏ lửa trong các ngày rằm, mồng một và lễ tết để tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.

Năm 1978, anh Thông được phục viên về quê và lập gia đình với chị Cao Thị Loan. Anh chị lần lượt sinh được 5 người con thì cả năm đều đau yếu, bệnh tật; cháu Nguyễn Văn Linh chết tại bệnh viện khi 7 tuổi, cháu Nguyễn Văn Bình bị dị dạng bẩm sinh và bệnh máu trắng, đến nay vẫn thường xuyên phải đi điều trị ở bệnh viện; bản thân anh Thông sức khỏe yếu, bệnh tật. Cùng với số tiền trợ cấp thương binh 4/4 mỗi tháng hơn 600.000 đồng, hai vợ chồng anh Thông phải thường xuyên lao động vất vả kiếm tiền nuôi các con ăn học, chữa bệnh và chăm sóc người cha năm nay đã 99 tuổi. Rất mừng cho anh chị là vừa qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện khám và giải quyết chế độ nạn nhân da cam cho anh và các cháu.

Hoàn cảnh gia đình tuy còn rất khó khăn nhưng CCB Nguyễn Đức Thông rất tích cực tham gia các công tác xã hội. Năm 1979, ngay sau khi phục viên, anh đã tích cực tham gia hải đoàn đánh cá của ngư dân Quất Lâm ra khơi đánh cá, bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc; rồi lại dùng tiền nhà cùng đồng đội và nhân dân địa phương ba lần đi vào chiến trường cũ ở khu Rừng Sác và Đà Nẵng lặn lội nhiều ngày tìm được hài cốt ba liệt sĩ đưa về quê an táng… Với ý thức trách nhiệm cao, mới đây, anh lại tình nguyện hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam một số kỷ vật chiến tranh mà anh đã giữ gìn suốt hơn 30 năm từ ngày tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) năm 1975. Tấm gương của thương binh, nạn nhân da cam Nguyễn Đức Thông được bà con nhân dân địa phương và đồng đội hết sức quý trọng và học tập.

Bài và ảnh: QUỐC HUY