Bố tôi nguyên là chiến sĩ đặc công đã từng chiến đấu dũng cảm và tham gia những trận đánh của Tiểu đoàn Đặc công 89 chiến đấu tại Mặt trận 44, Quảng Nam, Đà Nẵng. Năm 1968, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra ác liệt, cũng như nhiều người lính khác, ông sẵn sàng cùng đồng đội đối mặt với kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tâm nguyện của ông đã không thực hiện bởi mảnh đạn pháo của kẻ địch bắn vào chân. Do vết thương nặng, bố tôi buộc phải trở về tuyến sau điều trị. Sau này lớn lên, thấy vết sẹo to xấu xí ở chân và dáng đi “chân thấp, chân cao” của bố tôi, chúng tôi thắc mắc, ông mới kể: Năm ấy, mảnh đạn pháo găm vào ống đồng, dập xương. Mãi mới lấy ra hết được nên thành ra thế. Nhưng thế lại hay vì mình khác biệt các con ạ.
Rồi ông cười khà khà... Điều kiện y tế thời đó, qua lời kể của bố tôi không thấy thiếu thốn mà chỉ thấy oai hùng. Mổ, xếp lại xương, dòi bò trên vết thương lúc nhúc... Thế nhưng bố tôi cười tự hào bảo: “Không sao, đồng đội bố nhiều người còn bị thương nặng hơn. Bố bị thế thấm tháp gì. Anh em cùng cố gắng vượt qua hết”. Đến tận bây giờ, sau ngót 50 năm, bố tôi vẫn cắn răng chịu đựng nỗi đau nhức mỗi khi trời trở gió. Chân thi thoảng đá tan cái cốc để dưới sàn nhà; khi đó, ông lẩm bẩm: "Tao thấy rồi mà điều khiển tránh nó không được!".
Nhưng, cũng nhờ quả đạn pháo ấy giúp 4 người con trai được sinh ra sau khi bố xuất ngũ, chuyển ngành về quê. Đến tuổi học hành, “nhờ nó” chúng tôi được giảm 50% học phí trong suốt thời đi học. Đến giờ tôi vẫn không sao quên được cải thuở non nớt, dại dột của mình. Ngày tôi học cấp I, mỗi lần bố tôi đi công tác về, tôi hay bảo: "Sao bố không phấn đấu làm liệt sĩ để con được miễn toàn bộ học phí?". Bố tôi cười, rồi nhíu mày nhìn 2 chiếc bằng Tổ quốc ghi công của hai người em ruột. Mảng tường treo bằng đó giờ có thêm 1 chiếc nữa ghi danh một người con trai của bố.
Đó là anh trai thứ 3 của tôi. Anh là phi công lái máy bay tiêm kích chiến đấu của Không quân Việt Nam. Anh hy sinh trong khi bay huấn luyện một bài bay phức tạp, để lại bố mẹ, người thân và vợ con anh khi chị đang mang bầu con trai thứ hai của anh chị. Ngày anh mất, bố tôi là người vững vàng nhất. Ông chạy đôn chạy đáo, phân công công việc cho mọi người, cùng dơn vị quân đội lo chu tất đám tang của anh. Trong nỗi đau đớn tột cùng ấy, bố tôi vững vàng một cách kỳ lạ. Ông nghiêm nghị nhắc chúng tôi: “Bộ đội thời nào cũng hy sinh, mất mát, không đứa nào được khóc!”; nhưng rồi vô tình tôi nhìn thấy khi anh tôi đã mồ yên mả đẹp ở nghĩa trang liệt sĩ, bố tôi trốn một mình ở góc nhà, ôm lấy chiếc mũ bay cũ của anh, vai rung lên nức nở...
Giờ thì anh tôi đã ra đi 9 năm tròn. Cũng là 9 năm bố mẹ tôi ở bên che chở, động viên chị dâu tôi, chăm sóc các cháu và làm chỗ dựa để chị yên tâm công tác. Cậu bé nằm trong bụng chị ngày anh mất giờ đã là chàng sinh viên lớp 2, sinh nhật đúng vào ngày 27-7. Và cháu cũng giống như tôi ngày nào, ngơ ngác hỏi mỗi dịp 27-7 đến: Sinh nhật con, sao nhiều chú bộ đội đến nhà mình xoa đầu con nói câu “chúc mừng sinh nhật” mà mắt ai cũng đỏ hoe ?...
Sau ngày anh tôi mất, bố tôi cũng nghỉ hưu. Nhưng hưu với chính quyền thì ông lại có nghề mới tại gia: Ông nội xe ôm. Tám đứa cháu nội từ lớn tới bé, ông “cân tất” sáu đứa gần nhà. Đưa đón học hành, ăn chơi các kiểu trẻ thơ, trọng tài phân xử các kiểu tranh chấp, bố tôi không một lời phàn nàn hay than mệt nhọc. Ba năm trở lại đây, các cháu lớn và tự lập dần, bố tôi lại có thêm việc mới. Ông làm Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ dân phố. Từ ngày có ông làm Chi hội trưởng, Chi hội CCB Tổ 17 phường tôi số lượng hội viên tự nguyện tham gia sinh hoạt không ngừng tăng lên. Hiện nay, toàn chi hội có 43 hội viên, trong đó 23 hội viên là đảng viên. Khi thấy Nhà văn hóa phường xuống cấp, bố tôi đi đầu kêu gọi con cái trong nhà ủng hộ, rồi tích cực đi quyên góp, vận động nhân dân, người góp công, người góp của tôn tạo lại khang trang hơn, để mọi người có nơi sinh hoạt chung. Hằng năm, bố tôi cùng các bác trong chi hội bàn bạc, xây dựng kế hoạch để duy trì thường xuyên việc tổ chức các chuyến đi thăm chiến trường xưa, tri ân đồng đội. Có vài lần trong lúc chờ ông lên xe, tranh luận với ông về cuộc chiến tranh của đất nước, đôi khi quan điểm của hai bố con mâu thuẫn nhau ghê lắm. Tôi thấy bố có vẻ buồn. Giờ tôi viết những dòng này, khi bố đang cùng đồng đội hành quân vào Trường Sơn, chợt dặn mình: Thôi, giờ không tranh luận nữa, miễn bố thật vui và khoẻ, đánh đu với con cháu thêm đôi chục năm nữa. Lúc đó, ông không phải ngồi hằng ngày trời trên những chiếc xe khách quá khổ nữa mà là cưỡi mây đi thăm đồng đội.
Trần Ngọc Quyết